|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất cuối năm bớt căng thẳng?

07:32 | 24/10/2016
Chia sẻ
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt 11,74% - mức tăng trưởng này còn khá thấp so với chỉ tiêu đặt ra trong năm 2016 là 18% - 20%. Trong khi đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 12,02%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng và xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì giúp thanh khoản hệ thống được bảo đảm. Từ đó, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất nhằm tích cực cho vay trong mùa cao điểm cuối năm.

Ngân hàng thừa tiền

Theo kết quả điều tra quý 3-2016 về xu hướng kinh doanh đối với các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà Vụ Dự báo thống kê tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, hầu hết các TCTD lạc quan khi đánh giá về trạng thái thanh khoản. Cụ thể, 87,6% TCTD nhận định thanh khoản ở tình trạng tốt đối với cả VND và ngoại tệ. Trong đó, 100% TCTD thuộc nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và NHTM cổ phần nhỏ đánh giá thanh khoản chung và thanh khoản VND của mình là tốt.

Số liệu cập nhật mới nhất của NHNN trong tuần cuối cùng của tháng 9-2016 cũng cho thấy sự dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, thông qua kênh tín phiếu, NHNN đã hút ròng gần 13.300 tỷ đồng từ thị trường và lũy kế trong 18 tuần qua, tổng cộng NHNN đã hút ròng gần 104.000 tỷ đồng qua kênh này. Điểm đáng lưu ý là lãi suất của tín phiếu kỳ hạn 14 ngày phát hành bởi NHNN tiếp tục xoay quanh mức rất thấp: 0,5%/năm, gần bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm.

Cùng với đó, biểu hiện rõ nhất của hiện tượng dư tiền này là lãi suất liên ngân hàng xuống mức thấp kỷ lục. Kể từ 3 năm trở lại đây, chưa bao giờ lãi suất qua đêm rơi xuống mức thấp nhất như trong phiên giao dịch của tuần cuối tháng 9, ở mức chỉ 0,2%/năm. Diễn biến này cho thấy, nguồn lực thanh khoản của hệ thống TCTD khi bắt đầu vào mùa vụ cuối năm rất tốt. Đó cũng là cơ sở để các ngân hàng đưa ra những chính sách lãi suất hợp lý phục vụ nền kinh tế.

lai suat cuoi nam bot cang thang

Thực tế cho thấy, từ đầu tháng 10 đến nay, rất nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, sau khi Vietcombank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 1% đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và giảm 2% đối với các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp xuống tối đa còn 6%/năm, BIDV trong ngày 17-10 cũng đã giảm lãi suất cho vay của nhóm DN trên xuống còn tối đa 6%/năm (giảm khoảng 1% so với thị trường).

Ngoài ra, BIDV còn áp dụng lãi suất 5,5%/năm đối với DN, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung; áp dụng gói tín dụng dành cho nhóm DN xuất nhập khẩu với lãi suất từ 4,5% - 6%/năm; gói tín dụng 40.000 tỷ đồng dành cho các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, DN vốn FDI với lãi suất 5,5%/năm. HDBank cũng giảm lãi suất cho vay, với khách hàng cá nhân vay mới, lãi vay từ 11,5%/năm xuống 10,5%/năm.

Với DN, HDBank có gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm, trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm… Nhìn chung, thanh khoản dồi dào, tăng trưởng tín dụng cũng khó đẩy ồ ạt vì “ngại” nợ xấu, lạm phát cũng không có dấu hiệu đột biến… là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho việc giảm lãi suất trên thị trường.

Ít biến động

Thời gian gần đây, 4 NHTM nhà nước đã tiên phong giảm lãi suất huy động từ 0,3% - 0,5%/năm, sau đó, chỉ thêm vài ngân hàng điều chỉnh theo, nhưng giảm rất ít để thăm dò thị trường. Trong khi đó, một số ngân hàng khác vẫn tiếp tục tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 12 tháng lên đến 7,5% - 7,7%/năm. Thậm chí, Vietcapitalbank có lãi suất 18 tháng lên đến 8,1%/năm.

Về việc này, lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng, thực chất mức lãi suất trên chủ yếu được các ngân hàng dùng để tham chiếu tính lãi suất cho vay và đã điều chỉnh trong vài tháng trước.

“Quan trọng là nhóm ngân hàng này chiếm chưa đầy 5% tổng thị phần của toàn hệ thống, nên không đủ để đại diện cho xu hướng lãi suất huy động vẫn tăng. Trong khi đó, khối NHTM nhà nước thời gian qua đã giảm lãi suất từ 0,3% - 0,5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn dưới 12 tháng là mức lớn so với nền lãi suất huy động khá thấp hiện nay. Diễn biến này rất đáng chú ý, vì khối ngân hàng này đang chiếm tới trên dưới 50% thị phần huy động và cho vay của toàn hệ thống”, vị này cho hay.

Liên quan đến kế hoạch giảm lãi suất cho vay từ nay tới cuối năm, NHNN cho rằng nhu cầu tín dụng vào thời điểm cuối năm bao giờ cũng tăng cao hơn so với những tháng đầu năm, trong lộ trình và diễn biến của lạm phát hiện nay thì NHNN trung ương vẫn theo dõi rất sát để có thể điều hành.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, sau khi các NHTM nhà nước giảm lãi suất huy động vào cuối tháng 9, chênh lệch lãi suất huy động giữa khối NHTM nhà nước với NHTM cổ phần đã giãn rộng. Chính vì thế, sẽ có thêm các NHTM cổ phần sẽ xem xét nhập cuộc theo thời gian tới.

Mặc dù lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng việc giảm lãi suất đầu vào sẽ là cơ sở để giảm lãi suất đầu ra. Chưa kể, tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu chững lại và lạm phát cũng không có dấu hiệu đột biến. Tất cả những yếu tố này đang hỗ trợ tích cực cho việc giảm lãi suất trên thị trường. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các DN, khi mùa cao điểm sử dụng vốn cuối năm đang tới.

Mặc dù vậy, báo cáo về kinh tế vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng HSBC công bố vào cuối tháng 9-2016 nhận định: Tuy thanh khoản của hệ thống tài chính Việt Nam khá tốt trong thời điểm này, nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn khá “khó chịu”. Các ngân hàng vẫn tiếp tục thận trọng vì các khoản nợ xấu đang tăng lại trong những tháng gần đây. Do đó, lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm sẽ ít biến động nhưng khó lòng hạ lãi suất, ngay cả khi lãi suất chính sách đã giảm.

Theo Hạnh Nhung

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.