Lãi suất chạm mức thấp kỷ lục, thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm
Theo các chuyên gia, dự báo lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Đây là tín hiệu tích cực, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, phục hồi sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Bổ sung nguồn vốn rẻ
Tết Nguyên đán là dịp doanh nghiệp và người dân bổ sung vốn để dự trữ hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và mua sắm. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều ngân hàng tiếp tục tung ra các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) công bố triển khai chương trình “Lãi 0 đồng - Thông nguồn vốn” nhằm hỗ trợ cho khách hàng cá nhân đẩy mạnh sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn; phục vụ nhu cầu vay vốn tiêu dùng, đời sống… Khách hàng tham gia gói vay sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi 0% trong tháng đầu tiên.
Tương tự, Ngân hàng Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng tung ra gói tín dụng 10.000 tỷ đồng áp dụng lãi suất cho vay 0% trong tháng đầu tiên. Cụ thể, 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay mới hoặc khách hàng cá nhân hiện hữu muốn vay thêm và 5.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay với mục đích chi lương, thưởng dịp cuối năm. Những tháng còn lại áp dụng mức lãi suất theo quy định hiện hành của HDBank.
Mặc dù lãi suất 0% chỉ áp dụng trong tháng đầu tiên, nhưng động thái này cũng là tín hiệu tích cực cho thấy các ngân hàng đang đẩy mạnh giảm lãi vay để kích cầu tín dụng.
Không riêng Kienlongbank hay HDBank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) vừa bổ sung nguồn vốn lên đến 30.000 tỷ đồng để cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh và dành đến 45.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân kinh doanh và phục vụ đời sống.
Lãi suất gói cho vay doanh nghiệp được Sacombank áp dụng ở mức 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 – 12 tháng. Còn với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay phục vụ kinh doanh áp dụng từ 6%/năm đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng hoặc từ 7%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn; lãi suất cho vay phục vụ đời sống từ 6,5%/năm, cố định trong 6, 12 hoặc 24 tháng.
Hay như tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), ngay trong những ngày đầu năm 2024, ngân hàng đã triển khai cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 5%/năm. Chương trình áp dụng đối với các khoản vay giải ngân mới với mục đích vay mua hoặc sửa chữa nhà đất để ở, tiêu dùng cá nhân hoặc bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh. Ngân hàng cũng giảm biên độ cho vay sau khi hết lãi suất ưu đãi chỉ còn 2%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) tung gói hạn mức 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay bổ sung vốn kinh doanh ngắn hạn hoặc phát hành bảo lãnh thanh toán. Lãi suất vay ưu đãi từ 8,2%/năm và không áp dụng thu hộ phí định giá tài sản đảm bảo từ bên thứ ba, không phí cam kết rút vốn, không phí quản lý cam kết doanh số tài khoản… Đặc biệt, khách hàng được giảm thêm đến 1,2% mức lãi suất cho vay khi thỏa thuận một số điều kiện của Nam A Bank.
Đồng thời, Nam A Bank cũng dành 3.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay khách hàng doanh nghiệp và cá nhân sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị ngành thủy sản, giúp khách hàng bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy sản, kinh doanh thức ăn thủy sản, thuốc vi sinh…
Nắn dòng vốn chảy trúng đích
Ngay từ những ngày đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) định hướng 15% cho các ngân hàng. Đây là động thái quyết liệt nhằm thúc đẩy dòng vốn chảy vào nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đến thời điểm này, lãi suất cho vay đang xuống mức rất thấp bao gồm cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, kể cả lĩnh vực ưu tiên và không ưu tiên. Mặt bằng lãi suất chung đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.
"Hiện tại còn rơi rớt lại những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây khi ngân hàng thương mại huy động với lãi suất cao, nhưng chắc chắn năm 2024 sẽ không còn duy trì được mức này nữa. Trong công tác điều hành, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024", ông Tú cho biết.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ dao động trong khoảng từ 4,85%/năm đến 5,35%/năm.
Đối với lãi suất cho vay, KBSV cho rằng, chênh lệch kỳ hạn và độ trễ của tác động giảm lãi suất sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, giúp lãi suất cho vay tiếp tục giảm, nhưng sẽ khó có thể giảm sâu. KBSV nhận định lãi suất cho vay bình quân có dư địa để giảm thêm 0,75 - 1,0 điểm % trong năm 2024.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý I/2024 do Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước. Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay dự báo tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3 - 0,4 điểm phần trăm trong quý I/2024 và giảm 0,2 điểm phần trăm trong cả năm 2024.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, năm 2024 dù được dự báo còn nhiều khó khăn, nhưng nhu cầu vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp sẽ tăng cao hơn năm 2023. Nguyên nhân là do những yếu tố vĩ mô, điều hành chính sách đều hướng tới sự ổn định. Do đó, tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ khả quan hơn ngay từ những tháng đầu năm và sẽ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, lĩnh vực ưu tiên...