|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lại muôn mặt điều kiện kinh doanh

15:41 | 31/07/2017
Chia sẻ
Chính phủ một lần nữa “tuyên chiến” với các điều kiện kinh doanh đang làm thui chột tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh qua bản Nghị quyết được ban hành hôm 11-7. Nhưng, câu chuyện không hề đơn giản.
lai muon mat dieu kien kinh doanh
Với một trang trại nuôi heo, cứ ba tháng cán bộ y tế lại đến trang trại để lấy mẫu nước uống cho heo về kiểm tra. Ảnh: Thành Hoa.

Phó ban Kinh tế trung ương Cao Đức Phát vẫn nhớ lần gặp gần đây với một chủ trang trại nuôi heo ở một tỉnh miền Bắc khi ông đến thăm. Ông kể với phóng viên, vị này than phiền, cứ ba tháng cán bộ y tế lại đến trang trại để lấy mẫu nước uống cho heo về kiểm tra. Mỗi lần lấy mẫu, vị này cho biết, là một lần ông bị gây phiền nhiễu. “Mới chỉ là quy chuẩn, tiêu chuẩn thôi đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, chứ đừng nói tới điều kiện kinh doanh”, ông nói.

Khi còn làm lãnh đạo ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phát đã từng va chạm nhiều với các điều kiện kinh doanh của ngành mình nên rất hiểu. Một lần, khi đang phụ trách soạn thảo Luật Doanh nghiệp 1999, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi đó là ông Lê Đăng Doanh đã mời ông Phát đến để trình bày rằng ngành nông nghiệp có ngần này giấy phép và đề nghị nên cắt bớt đi. Ông Doanh kể, lúc đó, ông Phát cứ một mực khẳng định ngành nông nghiệp không hề có giấy phép đấy, nhưng vẫn cùng ngồi với ông rà soát, và phát hiện ra đó là các giấy phép con của các cục, vụ thuộc bộ. Lúc đó, ông Phát nói khảng khái: “Thôi, điều kiện kinh doanh của các cục thì các ông cứ dẹp tất đi”. Sự ủng hộ của ông Phát và nhiều vị lãnh đạo khác đã giúp Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải cắt bỏ 86 giấy phép con đầu tiên.

Cho đến ngày nay, Chính phủ và Quốc hội đã nhận thức rõ điều kiện kinh doanh đang bị các bộ, ngành và địa phương lạm dụng, nên đã quy định trong Luật Đầu tư rằng điều kiện kinh doanh chỉ được quy định từ cấp nghị định của Chính phủ trở lên. Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhận định quyền ra điều kiện kinh doanh được thu về tay Thủ tướng từ rất nhiều người. Đó là một nỗ lực lớn. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản.

Chính CIEM cũng đang gánh chịu hệ lụy của các điều kiện kinh doanh. Cơ quan này gần đây bị yêu cầu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện nghiên cứu thì mới được phép tham gia đấu thầu các nghiên cứu.

CIEM gần đây thống kê 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư hiện tại đã được các ngành đẻ ra tới 3.407 điều kiện kinh doanh. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tính toán, cũng với 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, lại có tới 5.719 điều kiện kinh doanh. Cho dù số điều kiện kinh doanh khác nhau nhưng có cùng một điểm: chúng nảy nở quá nhiều. Ông Trần Hữu Huỳnh ở VCCI phải thốt lên: “Tôi rà soát điều kiện kinh doanh từ khi làm Luật Doanh nghiệp năm 1999, khi tóc còn xanh, đến nay tóc đã bạc mà điều kiện kinh doanh vẫn sinh sôi nảy nở”.

Chẳng nói đâu xa, mới đây, một số tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo không cho doanh nghiệp xuất cát ra khỏi địa phận tỉnh mà hệ lụy là doanh nghiệp có thể phá sản và thị trường cát thậm chí sẽ bị rối loạn. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, nhận xét: “Điều kiện kinh doanh giờ đây khác xa so với hồi năm 2000. Chúng được thiết kế tinh vi hơn, phức tạp hơn, nhiều lúc chỉ là cái thông báo của chính quyền”.

Theo Báo cáo điều kiện kinh doanh 2017 của CIEM, cơ quan này xếp 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ là ở cấp độ “mẹ”, và người ta đã đẻ ra điều kiện kinh doanh ở cấp độ “con”, “cháu”, “chắt” ở từng ngành nghề kinh doanh cụ thể. Chẳng hạn, lĩnh vực giao thông vận tải có 30 ngành nghề kinh doanh có điều kiện “mẹ”, nhưng có tới 63 điều kiện kinh doanh cấp “con”; ngành tài chính có 20 điều kiện kinh doanh “mẹ”, 60 “con”; lĩnh vực y tế 16 “mẹ” và 52 “con”; lĩnh vực xây dựng có 17 “mẹ” và 26 “con”; lĩnh vực ngân hàng tám “mẹ” và 31 “con”. Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM, nói: “Chúng tôi phát hiện ra nhiều điều kiện kinh doanh được thiết kế thành cách cành, nhánh, chồi, lá làm doanh nghiệp không biết đường nào mà tuân thủ”.

Hệ lụy của các điều kiện kinh doanh thì ngay cả CIEM, cũng phải gánh chịu. Cơ quan này vẫn luôn thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, nhưng gần đây lại được yêu cầu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện nghiên cứu thì mới được phép tham gia đấu thầu các nghiên cứu.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung kể, ông nói với các nhân viên không xin, nhưng họ nói không có giấy chứng nhận đủ điều kiện nghiên cứu khoa học thì không tham gia đấu thầu được, rốt cuộc là không có việc làm. “Vì sao lại phải cho phép nghiên cứu khoa học? Chính tư duy đó đã triệt tiêu mọi sáng tạo”, ông nói. Ông Nguyễn Đình Cung cho biết, nhiều nước trên thế giới cũng từng bị nạn này, và họ đã dẹp bỏ được. “Tôi đã nghiên cứu xem các nước dẹp bỏ giấy phép con trên nền tảng tư duy nào thì thấy họ chỉ có cách tư duy duy nhất là vì lợi ích chung. Còn ta thì lợi dụng chính sách để tư lợi. Hồi những năm 2000 thì họ còn thấy xấu hổ, giờ thì không còn nữa”, ông than phiền.

Nghiên cứu của CIEM và VCCI mới chỉ dừng lại ở 243 điều kiện kinh doanh mẹ trong Luật Đầu tư mà chưa mở rộng ra các văn bản khác. Thật ra có bao nhiêu điều kiện kinh doanh bị cắt bỏ khi các bộ, ngành giúp Chính phủ soạn thảo, ban hành 50 nghị định hồi tháng 7 năm ngoái? Ông Hiếu của CIEM nhìn nhận thẳng: “Không có cái nào bị cắt bỏ cả”. Ông giải thích, trong quá trình rà soát 50 nghị định, những điều kiện kinh doanh không thống nhất được thì người ta có xu hướng chuyển sang tiêu chuẩn, quy chuẩn, có nghĩa là điều kiện kinh doanh đó không mất đi mà được đưa sang một dạng khác.

Thực tế này thì Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quang Các không xa lạ gì. Rất nhiều các điều kiện kinh doanh đã được cài cắm vào 3.372 bản quy hoạch ngành, sản phẩm mà ông rà soát khi làm dự thảo Luật Quy hoạch. Một lần, khi đến tìm hiểu về quy hoạch ngành ở Bắc Giang, ông được cán bộ ở đây kể rất tâm đắc là vừa loại được tám dự án của các doanh nghiệp xin nuôi heo quy mô lớn vì không đúng quy hoạch. Ông đáp, các ông cần đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các trang trại heo, như vậy không làm lỡ đi cơ hội đầu tư của doanh nghiệp và của chính địa phương. Dự thảo Luật Quy hoạch giúp loại bỏ toàn bộ các quy hoạch ngành, sản phẩm trái ngược hoàn toàn với tinh thần của kinh tế thị trường, thật đáng tiếc, đã không được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Cuộc chiến với điều kiện kinh doanh, vì thế, sẽ là trường kỳ và còn đầy chông gai.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tư Hoàng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.