|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Lạ lùng' việc quyết toán hàng nghìn tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt

20:24 | 20/12/2018
Chia sẻ
 Trung bình mỗi năm TPHCM chi khoảng 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt. Tuy nhiên, điều bất thường là Sở Giao thông vận tải TP vẫn chưa lập được báo cáo quyết toán kinh phí trợ giá xe buýt từ năm 2011-2017.
la lung viec quyet toan hang nghin ty dong tien tro gia xe buyt Càng chạy càng lỗ, xe buýt TP.HCM muốn... ngưng hoạt động

Xin bổ sung trợ giá hàng trăm tỷ nhưng bị “tuýt còi”

Trong năm 2018, dự toán ngân sách thành phố chi cho trợ giá xe buýt là 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sở Giao thông vận tải TPHCM cho rằng kinh phí trợ giá trên không đảm bảo hoạt động cho ngành xe buýt nên đề xuất bổ sung 330 tỷ đồng.

la lung viec quyet toan hang nghin ty dong tien tro gia xe buyt

Sở GTVT TP xin bổ sung ngân sách 330 tỷ đồng cho trợ giá xe buýt nhưng Sở Tài chính chỉ thống nhất 123 tỷ

Tuy nhiên, đề xuất của Sở GTVT bị Sở Tài chính “tuýt còi” và yêu cầu thuyết minh làm rõ một số nội dung. Sau khi tính toán lại, Sở GTVT giảm đề xuất xuống còn 168 tỷ đồng. Cuối cùng, Sở Tài chính thẩm định lại và thống nhất bổ sung 123 tỷ đồng và trình UBND TP xem xét. Như vậy, so với đề xuất ban đầu, số tiền được Sở Tài chính chấp thuận lệnh nhau tới hơn 200 tỷ đồng.

Ngược dòng thời gian, Sở GTVT TP đề xuất dự toán trợ giá xe buýt năm 2018 là 1.720 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ tình hình thực hiện, ước 8 tháng năm 2017 và thực tế các năm trước, Sở Tài chính đã yêu cầu điều chỉnh ước số lượt hành khách năm 2018 và dự toán kinh phí trợ giá xe buýt trong năm là 1.000 tỷ đồng.

Từ đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP (thuộc Sở GTVT TP) sẽ ký hợp đồng đặt hàng với các HTX xe buýt để phân bổ lại tiền trợ giá, duy trì hoạt động của xe buýt có trợ giá trong năm.

Theo quy định, Sở GTVT TP phải phê duyệt dự toán kinh phí đặt hàng vào ngày đầu năm. Thế nhưng phải đến ngày 15/8, Sở GTVT TP mới ban hành quyết định số 4640/QĐ-SGTVT về phê duyệt dự toán kinh phí đặt hàng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP để làm cơ sở ký hợp đồng thương thảo đặt hàng.

Do chậm phê duyệt dự toán kinh phí trợ giá dẫn đến gây khó khăn trong việc giải ngân kinh phí trợ giá. Việc này cũng gây bức xúc đối với các đơn vị vận tải, xã viên và ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ xe buýt.

Tính đến cuối tháng 9/2018, sau 2 lần thương thảo chỉ có 9/13 đơn vị ký hợp đồng đặt hàng. Đến tháng 11/2018, sau nhiều lần làm việc thì các đơn vị đã ký hợp đồng đặt hàng năm 2018.

Hơn 7.400 tỷ đồng trợ giá xe buýt chưa được quyết toán

Nhìn vào vấn đề giải ngân kinh phí trợ giá xe buýt trong những năm gần đây có thể nhận thấy tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động xe buýt tại thành phố. Đáng chú ý, Sở GTVT TP vẫn chưa lập được báo cáo quyết toán trợ giá xe buýt giai đoạn 2011-2017.

la lung viec quyet toan hang nghin ty dong tien tro gia xe buyt

Sở GTVT TP vẫn chưa hoàn thành quyết toán kinh phí trợ giá xe buýt giai đoạn 2011-2017

Theo quy trình quyết toán xe buýt, hàng tháng, doanh nghiệp vận tải tổng hợp hồ sơ, báo cáo quyết toán gửi về Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.

Cuối tháng 3 hàng năm, Trung tâm sẽ tổng hợp hồ sơ, báo cáo quyết toán năm trước liền kề để tiến hành kiểm toán theo quy định. Trong thời gian 60 ngày, đơn vị này phải gửi toàn bộ hồ sơ, báo cáo quyết toán đã được kiểm toán về Sở GTVT TP xét duyệt.

Trong thời hạn 90 ngày, Sở GTVT TP phải có báo cáo kiểm toán đính kèm, được phòng tài chính kiểm tra, xét duyệt báo cáo quyết toán năm về tình hình quản lý, sử dụng kinh phí trợ giá của Trung tâm. Từ đó, Sở GTVT TP sẽ thông báo số liệu xét duyệt quyết toán, đồng thời tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm tra.

Quy trình là thế nhưng Sở GTVT TP chưa lập được báo cáo quyết toán kinh phí trợ giá xe buýt giai đoạn 2011-2017. Nguyên nhân là do chưa nhận được hồ sơ báo cáo quyết toán từ Trung tâm quản lý giao thông công cộng.

Sở GTVT TP đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở Trung tâm nộp hồ sơ, báo cáo quyết toán về tình hình sử dụng kinh phí ngân sách trợ giá xe buýt các năm. Tuy nhiên, trong tháng 11/2018, Sở GTVT chưa nhận được hồ sơ, báo cáo quyết toán kinh phí trợ giá của Trung tâm từ năm 2012 đến 2016. Riêng năm 2011, hồ sơ đề nghị quyết toán của Trung tâm quản lý giao thông công cộng đã được gửi nhưng Sở GTVT TP yêu cầu bổ sung hồ sơ, thuyết minh giải trình một số nội dung.

Trong giai đoạn 2011-2017, hơn 100 tuyến xe buýt có trợ giá của TPHCM sử dụng hơn 7.400 tỷ đồng tiền ngân sách. Việc chậm trễ quyết toán trợ giá xe buýt trong giai đoạn này cũng khiến các đơn vị thẩm định không thể xác định được tiền ngân sách chi cho trợ giá xe buýt được sử dụng như thế nào.

Trước đó, UBND TP từng có kết luận thanh tra trợ giá xe buýt giai đoạn 2012-2014 và chỉ ra nhiều bất cập. Cụ thể, việc thiếu kiểm tra giám sát giữa các đơn vị chức năng đã tạo kẽ hở cho một số doanh nghiệp vận tải lợi dụng quyết toán khống tiền trợ giá xe buýt hàng trăm triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, đối tượng không thuộc diện hưởng trợ giá cũng được thanh toán cả trăm triệu đồng…

Xem thêm

Quốc Anh