|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kỳ vọng chuối Laba

13:03 | 05/11/2018
Chia sẻ
HTX TMDV Laba Phú Sơn và HTX chuối Laba Banana Ðạ K’Nàng đang rất tâm huyết với cây chuối Laba và đã xuất khẩu được chuối sang thị trường Nhật Bản. Với lợi thế về xuất xứ của chuối Laba hay vùng nguyên liệu rộng lớn cho chuối Laba, cả hai HTX đang hướng đến mục tiêu tự mình có đủ năng lực tham gia vào thị trường Nhật Bản khó tính nhưng đầy tiềm năng.
 
ky vong chuoi laba
Ông Đinh Đức Chí (bìa phải) - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà thăm vườn chuối Laba giống tại xã Phú Sơn. Ảnh: N.Q

Chỉ dẫn địa lý xứ Laba

Chúng tôi về gặp ông Nguyễn Tấn Chơi - Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Laba Phú Sơn, tại thôn Bằng Tiên 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, được biết: Sở dĩ người Nhật chọn chuối Laba Phú Sơn, vì còn di chứng bằng văn bản của ông Lê Văn Nghệ - Cửu phẩm Lý trưởng làng Bằng Tiên, kê khai số nhân khẩu và diện tích đất vào năm 1938. Còn chuối Laba là giống chuối được người Pháp di thực từ miền Bắc Việt Nam vào xứ Bằng Tiên - Phú Sơn. Do cây chuối hợp đất và khí hậu, phát triển tốt và cho phẩm cấp đặc biệt, nên từ đó, hình thành nên giống chuối Laba đặc biệt thơm, dẻo, ngọt chỉ có ở vùng đất Phú Sơn, trở thành thương hiệu chuối xứ Laba.

Chuối Laba có 3 loại, cây cao 6-7 m như trụ điện gọi là chuối Bà Hương - quả có cạnh, to và thơm, nay hiếm gặp; loại chuối Laba trung có chiều cao khoảng 3-4 m, đang được trồng phổ biến và loại chuối lùn, cây thấp khoảng 1,5-2 m. Hai loại chuối Laba lùn và trung đều có kích thước, hình dạng trái nẩy căng, cạnh tròn, quả ôm chặt nhau. Nếu mỗi buồng giữ khoảng 9-10 nải sẽ cho trọng lượng khoảng chừng 40 kg/buồng.

HTX TMDV Laba Phú Sơn có 48 xã viên, đang trồng được 18 ha chuối Laba. Mỗi xã viên sản xuất tập trung từ 2 sào trở lên (khoảng 4 tấn). Mỗi lần thu hoạch chuối, HTX đưa dàn sơ chế lưu động 8 m chia 3 khúc bắt vít đưa tới vườn. Chuối thường được cắt tỉa mặt trăng nửa nải hoặc 3 trái một, đóng thùng 13 kg. Để bảo đảm độ chín vừa tới tay người tiêu dùng và thời gian vận chuyển, chuối được thu hái sớm trước 2 tuần so với cách thu hoạch chuối thông thường.

Tính ra 1 ha đất Phú Sơn trồng 2 ngàn bụi chuối, với khoảng 30-40 kg/buồng năm thứ nhất (để 1 cây), năm thứ 2 đến năm thứ 5, mỗi bụi để 2 cây. Như vậy, mỗi cây mô sẽ được khai thác trong vòng 4-5 năm, thu từ 9 - 11 buồng. Các cây con khác sẽ được tỉa bỏ, hoặc làm giống; tuy nhiên, giống cấy mô sẽ ít bệnh hơn, vì cây truyền thống dễ nhiễm bệnh từ cây mẹ.

Hiện, có 3 dây chuyền sơ chế ở Đan Phượng, Liên Hà và Đạ K’Nàng, tính từ khi HTX Laba Phú Sơn ký kết xuất khẩu chuối sang Nhật là tháng 6/2017, đến tháng 7/2018 mới bắt đầu thu. Nhưng, vấn đề là HTX xuất khẩu sang Nhật phải qua trung gian là Công ty Cổ phần đầu tư Chuối Việt (TP HCM) nên giá cuối đến tay người nông dân chỉ còn 7,2 ngàn đồng/kg.

Tiềm năng của vùng nguyên liệu

Ông Nguyễn Huy Phương - Chủ nhiệm HTX chuối Laba Banana Đạ K’Nàng, bắt đầu trồng chuối từ 2 năm nay. Nói về cơ duyên với chuối, ông Phương cho biết: Trước chỉ trồng rau, nghe nói có mối ở Đà Lạt mới hăm hở làm chuối. Nhưng khi thu, để chuối rụng mà không có người mua. Thấy tình hình bấp bênh, không chủ động, ông Phương đứng ra thành lập HTX với nguồn nguyên liệu khoảng 30 ha và 7 thành viên, liên kết khoảng 20 hộ nông dân.

Ðến nay, HTX Ðạ K’Nàng và HTX Laba Phú Sơn đang chuẩn bị xuất “công” (container) thứ 9, dự kiến khoảng 20 tấn. Trước đó, 2 HTX đã xuất nhiều “công” từ 7 - 9 đến 15 tấn, cũng qua Công ty Chuối Việt, đạt khoảng 100 tấn.

ky vong chuoi laba
Buồng chuối Laba thương phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật. Ảnh: N.Q

Làm chuối xuất khẩu có quy cách riêng, thậm chí là khó, đã làm thì phải làm cho đạt, phải giữ thương hiệu. HTX Đạ K’Nàng cố gắng tư vấn cho bà con làm chuối xuất khẩu đúng quy trình. Chuối Đạ K’Nàng giữ được thương hiệu mới là yếu tố quan trọng để tồn tại và phát triển một cách đúng nghĩa và chính đáng. HTX Đạ K’Nàng đang đầu tư theo tỷ lệ 50-50 với các hộ dân và đang phát triển thêm 7 ha ở Đạ Tông, thông qua việc cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Công ty Chuối Việt chịu bao bì, vận chuyển, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch và kho bãi.

Còn cơ duyên với thị trường Nhật, ông Phương kể: Trong lúc lao đao vì đổ bể mối tiêu thụ ở Đà Lạt, lại gặp Công ty Chuối Việt đang tìm nguyên liệu ở Phú Sơn, rồi gặp người Nhật qua tìm hiểu nguồn gốc và xác định chỉ dẫn địa lý cho vùng nguyên liệu - thế là có động lực thành lập HTX. Không chỉ thế, Đạ K’Nàng nằm trong vùng giao thoa khí hậu với Phú Sơn, khiến chuối Laba Đạ K’Nàng có phẩm chất tương đồng như chuối Laba Phú Sơn. Thậm chí, mấy anh Nhật còn rất thích chuối Laba Đạ K’Nàng vì độ mềm ngọt.

Đạ K’Nàng còn quỹ đất nhiều, nên được phía Nhật chọn làm vùng nguyên liệu và có thể phát triển vùng nguyên liệu lên đến 500 ha theo tiêu chuẩn của Nhật. Song song với việc phát triển vùng nguyên liệu, được sự ủng hộ của chính quyền huyện và các hộ dân đăng ký liên kết rất đông, HTX Đạ K’Nàng cũng đang tìm cách mở rộng thị trường nội địa và phát triển thêm các sản phẩm chế biến khác để không một quả chuối nào bị rơi rụng…

***

Trong tháng 11 tới, đối tác phía Nhật sẽ đến trao đổi với chính quyền về việc hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu. Dù bước đầu xây dựng được vùng nguyên liệu trên vùng đất Phú Sơn hay Đạ K’Nàng, nhưng cả 2 HTX Laba Phú Sơn hay HTX Laba Đạ K’Nàng đang cần hỗ trợ vốn và cơ sở hạ tầng khác để đầu tư cho quá trình thu hái và bảo quản sau thu hoạch, cũng như đủ năng lực để tự mình xuất khẩu. Còn hai Giám đốc HTX đặt kỳ vọng rất nhiều vào vùng đất Phú Sơn nổi tiếng trù phú xưa nay, hay vùng đất nghèo đang hưởng chính sách 30a Đạ K’Nàng sẽ được hưởng lợi từ chuối Laba và tự hào về chuối Laba.

Xem thêm

Nhật Quân