Kinh tế trưởng SSI: Nhà đầu tư nên có tâm lý cân bằng hơn khi nhìn nhận các vấn đề của thị trường
Tại chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI cho rằng thông thường tháng 11 là tháng giảm điểm. Nguyên nhân là do mùa kết quả kinh doanh quý III kết thúc trong tháng 10 cũng như tháng 11 thường rơi vào vùng trống thông tin. Ông Hưng chia sẻ tháng 11 đẹp nhất của mùa Haloween có lẽ rơi vào năm 2006, giống như một mùa hoa đẹp nhất đã đi qua.
Với câu hỏi tại sao chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhưng VN30, VN-Index lại chưa có cú tăng như vậy, liệu Việt Nam có đang trễ pha so với chứng khoán thế giới, ông Hưng đánh giá việc thị trường chứng khoán Việt Nam nhất định phải đi theo chứng khoán Mỹ là chuyện hơi khó ở thời điểm này.
Việt Nam đang có những vấn đề riêng của mình và những mối lo ngại của nhà đầu tư hiện nay là đi với các vấn đề mang tính chất trong nước hơn là đối với nước ngoài. Do đó việc thị trường chứng khoán Mỹ tăng vì đang rơi vào mùa kinh doanh và kết quả kinh doanh của họ mới đang được công bố.
Những phiên gần đây thị trường tăng điểm, khá nhiều công ty có kết quả kinh doanh tích cực ở Mỹ công bố kết quả kinh doanh tốt trở thành thông tin hỗ trợ kéo thị trường lên. Nhưng nếu sau đó nhiều công ty có thể công bố kết quả xấu như Google hay Microsoft, khi đó thị trường Mỹ có thể đảo chiều.
Vị chuyên gia nhấn mạnh đây là các vấn đề riêng của thị trường chứng khoán Mỹ, còn Việt Nam đang vướng vào những lo ngại về các vấn đề nội tại trong nước, chẳng hạn như trái phiếu doanh nghiệp, diễn biến tỷ giá hay lãi suất đang được thảo luận và nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Đó là những vấn đề thực sự về chính sách thắt chặt tài chính cũng như tiền tệ khiến thị trường lo ngại và chưa tăng điểm được trong thời điểm này một cách mạnh mẽ.
“Tôi nghĩ tâm lý chung của tháng 11 hiện nay là lo sợ, không phải sợ Halloween mà thực ra mọi người đang suy nghĩ một cách quá cực đoan về thị trường trái phiếu sẽ diễn biến ra sao, khi đáo hạn doanh nghiệp lấy tiền đâu ra trả nợ hay những dự đoán rằng rất nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản và mỗi người tự tư tưởng ra một kịch bản rất xấu.
Tất cả điều này dẫn đến tâm lý cực kỳ hoang mang, hoảng sợ, mỗi lần chúng ta nghe bất cứ một thông tin gì hay tin đồn thì lập tức trên thị trường sẽ nhìn thấy một lượng bán tháo rất mạnh. Sau đó mặc dù doanh nghiệp có giải thích thì giá cổ phiếu rất khó có thể quay về mức trước khi ra tin đồn”.
Trái lại, đối với những suy nghĩ lạc quan rằng thị trường kiểu gì cũng sẽ được giải cứu, lối suy nghĩ này lại theo hướng quá thờ ơ. Tựu chung lại, nhà đầu tư cần phải cân bằng hơn trong suy nghĩ để tâm lý được vững vàng hơn.
Chuyên gia dẫn chứng khi phải phân tích và nhìn vào nhưng vấn đề của thị trường như bất động sản, có thể thấy rằng doanh nghiệp ngành này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng chắc hẳn không đến nỗi cổ phiếu của tất cả công ty đều chạm sàn trong khi nhiều đơn vị vẫn đang hoạt động tốt.
Đứng từ góc độ nhà quản lý, thời điểm này khi nhìn vào thị trường người ta vẫn thấy các doanh nghiệp có dòng tiền, đang hoạt động và vẫn có những dự án đang dở dang thì hoàn toàn có khả năng sẽ có một sự giúp đỡ nhất định để họ vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục triển khai dự án. Những cá nhân làm sai sẽ bị xử lý nhưng vẫn còn những người làm đúng và cần được hỗ trợ, tạo cơ hội để tiếp tục hoạt động ổn định, phát triển trong tương lai.
“Do đó, sẽ không xấu đến mức tất cả cổ phiếu cùng lao dốc chạm sàn, tôi nghĩ mọi người cần có cái nhìn cân bằng hơn”, ông Hưng cho hay.