Kinh tế Trung Quốc chịu nhiều sức ép
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục cho thấy những tín hiệu kém lạc quan trước sức ép của cuộc chiến thuế quan với Mỹ và nhu cầu nội địa giảm sút.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố hôm 21-1, nền kinh tế số 2 thế giới trong quý IV/2018 chỉ tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017 - mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Con số này trong quý III/2018 là 6,5%. Nếu tính cả năm 2018, con số này đạt 6,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Phát biểu với giới truyền thông về những số liệu mới nhất này, Tổng cục trưởng NBS Ning Jizhe nhận định kinh tế đất nước có xu hướng tăng trưởng chậm lại nhưng ổn định trong 2 tháng vừa qua.
Reuters nhận định thực trạng kinh tế u ám nói trên có thể ép Bắc Kinh tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế để đảo ngược tình hình hoặc ít ra là ngăn chặn mọi chuyện xấu thêm.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ nền kinh tế trong năm nay để giảm nguy cơ mất nhiều việc làm. Tuy nhiên, họ bác bỏ khả năng thực hiện gói kích thích kinh tế "khủng" như từng làm hồi năm 2009 - một bước đi có thể giúp kinh tế tăng trưởng nhanh như cái giá phải trả là để lại núi nợ.
Một công trình xây dựng ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Thay vào đó, theo Bloomberg, Bắc Kinh cho đến giờ thực thi một loạt biện pháp hỗ trợ như giảm thuế, đẩy nhanh các dự án xây dựng và bán trái phiếu chính phủ… Giới phân tích dự báo sẽ có thêm một số biện pháp bổ sung được công bố tại kỳ họp quốc hội vào tháng 3 tới, như tăng cường cắt giảm thuế và chi tiêu cho các dự án hạ tầng.
Dù vậy, các biện pháp trên cần thời gian để phát huy tác dụng, khiến nhiều chuyên gia tin rằng tình hình có thể xấu thêm trước khi được cải thiện. Họ dự báo kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,3% năm nay. Trước mắt, một số nhà quan sát thậm chí tin rằng mức tăng trưởng thực sự thấp hơn dữ liệu chính thức.
Những dấu hiệu suy yếu của kinh tế Trung Quốc làm gia tăng nỗi lo kinh tế thế giới sẽ hứng chịu nhiều rủi ro, đồng thời đe dọa lợi nhuận của các công ty nước ngoài đang hoạt động tại đó.
"Chính phủ Trung Quốc đang có trong tay những biện pháp hỗ trợ kinh tế như tăng cường chi tiêu hạ tầng hoặc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng… Vấn đề ở đây nằm ở chuyện tiêu dùng. Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc bất đồng trên nhiều mặt trận, tâm trạng người tiêu dùng dường như đã bị tổn thương" - ông Naoto Saito, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Daiwa (Nhật Bản), nhận định với Reuters.
Ngay cả ông Ning Jizhe cũng thừa nhận cuộc đối đầu thương mại với Mỹ đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước nhưng trấn an rằng vẫn kiểm soát được tác động này. Sức ép về một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại hiện nay chắc chắn sẽ chỉ tăng chứ không giảm khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến đến Mỹ cuối tháng này để tiếp tục vòng đàm phán mới nhất. Dù vậy, các cuộc thương thảo cho đến giờ vẫn không đạt nhiều tiến triển về vấn đề mấu chốt: Bắc Kinh phải chấm dứt hành vi bị Washington cáo buộc lâu nay là đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ.
Giới phân tích nhận định ngay cả khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đạt được thỏa thuận, đây vẫn không phải là "liều thuốc tiên" đối với Trung Quốc hoặc các nhà xuất khẩu của nước này, nhất là khi nhu cầu trên toàn cầu đang sụt giảm.
Trước khi căng thẳng thương mại với Washington leo thang, Bắc Kinh đã phải đau đầu trước bài toán làm sao cân bằng giữa duy trì tăng trưởng kinh tế và giảm núi nợ khổng lồ. Theo đài CNBC, việc giảm phụ thuộc vào nợ có lợi cho kinh tế Trung Quốc về lâu dài nhưng lại đe dọa khiến kinh tế tăng trưởng ở mức chậm chưa từng thấy trong những năm gần đây.
Hy sinh tăng trưởng?Kinh tế Trung Quốc bước vào năm 2019 với không ít thách thức lớn, như nợ hộ gia đình tăng mạnh, thị trường bất động sản đi xuống và doanh số ôtô lần đầu tiên sụt giảm trong ít nhất 2 thập kỷ qua. Doanh số bất động sản và ôtô chiếm 20% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc. Dù ngoại thương của nước này tăng 10% năm ngoái, mức tăng trưởng này sẽ ít hơn trong năm nay khi kinh tế toàn cầu bắt đầu "thấm đòn" chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Vì xuất khẩu cũng chiếm 20% GDP nên bất kỳ sự giảm tốc nào cũng có thể khiến kinh tế Trung Quốc tổn thương. Để kích thích kinh tế, Bắc Kinh đang cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng và thực hiện một loạt sáng kiến cơ sở hạ tầng. Không biện pháp nào đủ sức khôi phục tốc độ tăng trưởng mạnh như trước đây trong bối cảnh nợ của nước này hiện tương đương khoảng 300% GDP. Theo báo South China Morning Post, có vẻ chính phủ Trung Quốc muốn hướng đến sự ổn định, đặc biệt là trong hệ thống tài chính và thị trường lao động. Nếu kiểm soát vốn tốt, Trung Quốc có thể duy trì được sự ổn định trong tương lai gần. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế có thể tiếp tục sụt giảm trong nhiều năm nữa bởi chiến lược này. Bong bóng bất động sản đã tồn tại trong khoảng 12 năm qua nên cần nhiều thời gian để "tiêu hóa" dư nợ và tồn kho khổng lồ. Các công trình bất động sản dân cư đang được thi công với tổng diện tích gần 6 tỉ m2 và có thể phải mất vài năm để bán được hết chúng. Đó là chưa kể hàng chục triệu căn hộ đang bị đầu cơ. Không khó hình dung tác động của thực trạng này đối với tăng trưởng kinh tế. Trong 4 thập kỷ qua, Trung Quốc dựa vào xuất khẩu và đầu tư. Bong bóng bất động sản là một công cụ đòn bẩy hữu ích để đầu tư dài hạn trước khi nhu cầu xuất hiện. Bắc Kinh đang hy vọng họ có thể duy trì được tỉ lệ tăng trưởng cao trong hoạt động xuất khẩu và chờ đợi kinh tế khởi sắc trở lại dù thời gian chờ đợi có thể rất lâu. Cao Lực |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/