Kinh tế thế giới thời Donald Trump
Mô hình thương mại
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã cam kết sẽ phát triển kinh tế Mỹ dựa trên sự bảo hộ và một trong những chính sách đầu tiên là sẽ áp mức thuế đến 45% đánh vào các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, xóa bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để bảo vệ công nhân Mỹ. Nếu ông Trump tiến hành các chính sách này sau khi nhậm chức sẽ gây ra những tác hại to lớn không chỉ đối với kinh tế thế giới mà còn đối với chính nền kinh tế Mỹ.
Thứ nhất, những người tiêu dùng Mỹ sẽ bị thiệt thòi khi chính phủ áp dụng việc tăng thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu và buộc họ phải mua những loại hàng hóa tương tự được sản xuất ở trong nước với giá thành cao hơn nhiều.
Ông Trump có thể gây ra tác động mạnh với kinh tế thế giới. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thứ hai, việc áp dụng các rào cản thương mại sẽ làm đảo lộn các hiệp định thương mại đã ký kết và dễ dẫn đến tình trạng bị "trả thù" từ các đối tác kinh doanh, từ đó có thể dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại giữa các quốc gia. Ví dụ, nếu chính phủ Mỹ áp dụng chính sách tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì chính Trung Quốc cũng có thể làm điều tương tự đối với các hàng hóa của Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc. Điều này sẽ gây tổn hại không chỉ đối với sự tăng trưởng kinh tế của chính Trung Quốc mà còn gây ảnh hưởng nặng nề đối với kinh tế Mỹ, từ đó đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Thương mại thế giới có thể tạo ra "người thắng, kẻ thua" trong cuộc chiến khốc liệt. Tuy nhiên, kể cả đối với những bên thắng cuộc thì chính phủ của họ cũng sẽ phải đưa ra các giải pháp mới để phân phối lại các lợi nhuận ở trong nước. Do đó, chủ nghĩa bảo hộ không bao giờ được coi là một giải pháp hữu hiệu.
Hệ thống tiền tệ toàn cầu
Những gì sẽ xảy ra đối với hệ thống tiền tệ toàn cầu khi ông Donald Trump nhậm chức sẽ phụ thuộc vào "mức độ độc lập" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Nếu FED bị ông Trump "thao túng" với các chính sách mới của mình nhằm bảo hộ nền kinh tế Mỹ thì điều đó có thể sẽ là một thảm họa đối với nền kinh tế toàn cầu. Nếu FED vẫn giữ quan điểm với các chính sách tài chính tiền tệ của mình đã được sử dụng trong nhiều năm qua nhằm ổn định thị trường toàn cầu thì cộng đồng quốc tế có thể hy vọng kinh tế thế giới sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Rất nhiều lần khi vận động tranh cử, ông Trump đã có động thái chỉ trích FED duy trì tình trạng lãi suất thấp trong thời gian dài. Điều này cho thấy ông Trump có vẻ sẽ cương quyết, sẵn sàng gây áp lực chính trị nhiều hơn đối với FED để thực hiện các chính sách tiền tệ mới. Tuy nhiên, một số người cho rằng những chính sách được đưa ra khi vận động tranh cử cho đến khi thành hiện thực vẫn còn một khoảng cách nhất định. Việc chính quyền của ông Trump muốn áp dụng các chính sách này cũng không phải là điều dễ dàng bởi nước Mỹ không thể "đóng cửa" ngay với thế giới trong một sớm một chiều.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, sự chững lại của nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế Mỹ thời gian qua đã mang lại những hệ quả không mong muốn cho người dân Mỹ: số người thất nghiệp tăng cao, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, nhiều vấn đề xã hội phức tạp trong nội bộ nước Mỹ nảy sinh... Tất cả những điều này có thể sẽ thúc đẩy tổng thống thứ 45 của nước Mỹ áp dụng các biện pháp mạnh tay. Và nếu điều đó xảy ra, nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, sẽ bị tác động không nhỏ.