Kinh tế Qatar lao đao sau một tuần khủng hoảng quan hệ ngoại giao với vùng Vịnh
Sau khi Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập và Bahrain cho biết sẽ kết thúc quan hệ ngoại giao với Qatar vào hôm thứ Hai (5/6), rất nhiều người dân ở Thủ đô Doha đã kéo nhau tới các siêu thị để mua hàng tích trữ.
Nhiều người cũng tới thẳng phòng thu đổi ngoại hối để rút hết đồng USD, vì họ lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra đối với một quốc gia nhỏ bé và phụ thuộc vào nhập khẩu như Qatar.
“Chúng tôi không còn một đồng USD nào và không thể nói khi nào sẽ có thêm nguồn cung mới, khủng hoảng sẽ tiếp tục diễn ra”, một nhân viên tại phòng thu đổi ngoại tệ Doha cho biết.
Hôm thứ Ba, một phòng thu đổi ngoại tệ thành phố khác đã từ chối khách hàng vì toàn bộ ngoại tệ đã cạn kiệt từ hôm trước đó.
Các nhà chức trách đã tìm cách để trấn an người dân rằng sẽ có đủ nguồn thực phẩm và các biện pháp để tiếp tục nhập khẩu, nhiều siêu thị đã được bổ sung vào thứ Ba.
Tính theo bình quân đầu người, Qatar là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới nhờ nguồn khí đốt khổng lồ và dân số ít ỏi chỉ với 2,7 triệu người, phần lớn là người nước ngoài.
Chính quyền Doha sử dụng xuất khẩu khí đốt để củng cố quan hệ với các nước châu Âu và châu Á, và có quy mô dự giữ ngoại hối 34 tỷ USD. Quỹ Đầu tư Quốc gia Qatar, sở hữu tòa nhà Shard và trung tâm thương mại Harrods ở London (Anh), cũng được ước tính có giá trị ngoại hối hơn 300 tỷ USD.
Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế từ hành động cô lập Qatar của các nước hàng xóm sau khi cáo buộc quốc gia này ủng hộ khủng bố xảy ra ngay lập tức.
Hôm thứ Ba, Maersk, hãng tàu lớn nhất thế giới tính về lượng chở hàng và số đội tàu, cho biết họ không thể tiếp tục vận chuyển hàng hóa đến và đi khỏi Qatar. “Chúng tôi xác nhận rằng sẽ không thể chuyển các chuyến hàng của Qatar đến và đi khỏi cảng Jebel Ali”, đại diện của công ty nói.
Các quan chức ngân hàng cho biết nhiều ngân hàng của Arab Saudi đã tìm cách bán đi các khoản vay của Qatar. Sở Giao dịch Chứng khoán Qatar đã giảm gần 9% trong tuần. Các chuyến hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar sẽ đắt hơn khi tàu chở hàng siêu lớn cần tìm các cảng mới bên ngoài vùng Vinh để tiếp nhiên liệu.
Các thương nhân ở Thủ đô Doha lo ngại về việc làm thế nào để nhập khẩu hàng hóa, thường được vận chuyển thông qua Dubai, trung tâm tài chính của khu vực. “Sau một tuần, chúng ta sẽ phải đối mặt với một vấn đề lớn. Không ai rõ điều gì sẽ xảy ra”, một nhân viên bán điện thoại di động cho hay.
Qatar thường nhập khẩu hàng hóa dễ hư hỏng thông qua đường bộ liên kết với Arab Saudi. Nhiều mặt hàng và nguyên liệu khác đến thông qua cảng Jebel Aii, cảng biển lớn của Dubai nơi hàng hóa của những chuyến tàu container lớn được chia nhỏ sang các tàu nhỏ hơn để chuyển đến nhiều thành phố nhỏ của vùng Vịnh, như thủ đô Doha.
Những tuyến đường vận chuyển quan trọng này và tất cả đường bay hàng không nối liền các quốc gia đã bị đóng cửa.
"Các công ty hoạt động hay phụ thuộc vào các tuyến đường thương mại trong vùng Vinh để tới Qatar sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn đáng kể đối với hoạt động và các chuỗi cung ứng do lệnh phong tỏa kinh tế hiện tại”, Sorana Parvulescu, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Control Risks.
Bà Parvulescu cho biết thêm nhiều doanh nghiệp với khối lượng lớn giao thương thông qua đường biên giới, hay với hoạt động bán lẻ đáng kể, như các công ty logistics, công ty vận tải hàng hóa bằng hàng không và đường biển sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
Qatalum, một công ty liên doanh giữa Hydro of Norway (Na Uy) và Qatar Petroleum, cho biết nhà máy nhôm đã bị buộc phải tìm các tuyến vận chuyển thay thế vì không thể tiếp cận bến cảng Jebel Ali.
Theo Financial Times, các luật sư nói rằng nhiều công ty đang xem xét hợp đồng về các điều khoản bất khả kháng vì những thay đổi lớn trong điều kiện thương mại, hiện gây áp lực lên các công ty địa phương và nước ngoài.
Mặc dù vậy, nền kinh tế Qatar chưa hẳn đã đi vào bế tắc khi họ có thể sử dụng cảng biển cũng như đường bay của quốc gia mình để thông thương, và tìm các nhà cung cấp khác như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ấn Độ.
Hiện, Qatar chi 500 triệu USD/ tuần để xây dựng cơ sở hạ tầng khi quốc gia này đang chuẩn bị đăng cai World Cup 2022. Trong khi rất nhiều thiết bị và nguyên liệu thô cho hoạt động xây dựng được vận chuyển thông qua biên giới với Arab Saudi, vì vậy nếu không muốn làm gián đoạn tiến trình thi công, việc phải tìm đến các nhà cung cấp thay thế là điều chắc chắn xảy ra.
Hôm thứ Tư (7/6), Bộ trưởng Nông nghiệp Nga tuyên bố rằng Nga sẵn sàng tăng xuất khẩu nông sản sang Qatar dù không nhận được lời đề nghị từ quốc gia này.