|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Hồng Kông rơi vào suy thoái, tương lai mờ mịt

20:13 | 10/10/2019
Chia sẻ
Kinh tế Hồng Kông lần đầu suy thoái kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và dấu hiệu phục hồi tức thời vẫn chưa thấy đâu khi những cuộc biểu tình bạo lực nhất trong nhiều thập kỷ đang khiến tâm lý của các doanh nghiệp chùn xuống, Bloomberg đưa tin.

Khung cảnh đượm buồn bao trùm những khách sạn sang chảnh và trung tâm mua sắm cho tới những cửa hàng và nhà hàng ở trung tâm du lịch như khu Central, Vịnh Causewat và Tsim Sha Tsui. 

hong-kong

(Nguồn: Bloomberg)

Các doanh nghiệp đóng cửa rất sớm hoặc có rất ít khách. Cho dù có mở cửa thì các cửa hàng và sân bay cũng rất yên ắng bởi không còn mấy bóng dáng của khách du lịch.

Mạng lưới tàu điện ngầm của Hồng Kông đã đóng cửa hoàn toàn suốt khoảng thời gian khá dài từ cuối tuần trước trong bối cảnh người dân phản ứng dữ dội trước các nỗ lực dập tắt biểu tình của bà Carrie Lam, nhà lãnh đạo Hồng Kông.  

Screen Shot 2019-10-10 at 6

Nguồn: Bloomberg. (Minh Tuấn việt hóa)

Nền kinh tế Hồng Kông suy thoái trong quý II/2019 và chuyên gia gần như chắc chắn sẽ tiếp tục suy thoái trong quý III/2019. Dữ liệu vẫn đang xấu dần. 

Các chỉ báo kinh tế chính của Hồng Kông cũng nhanh chóng hóa tiêu cực trong vài tháng qua:

- Trong tháng 8/2019, doanh số bán lẻ giảm kỷ lục 23% so với cùng kì năm trước, trong lúc nhu cầu về hàng sang chảnh, như trang sức và đồng hồ, tụt dốc.

- Cũng trong tháng 8/2019, lượng khách du lịch đến Hồng Kông giảm gần 40% so với cùng kì năm trước, và chỉ còn 3.6 triệu khách du lịch. Đây là kết quả xấu nhất kể từ năm 2003, thời điểm xuất hiện dịch SARS, theo dữ liệu từ Ban Du lịch Hồng Kông. 

- Ủy ban Phát triển Thương mại Hồng Kông cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2019, đồng thời cảnh báo rằng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỉ.

- Niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng chạm mức thấp mới trong tháng 8/2019.

- Chỉ số nhà quản lí mua hàng (PMI) của cả nền kinh tế Hồng Kông có tăng nhẹ, nhưng vẫn còn báo hiệu sự thu hẹp khá mạnh ở mức 41,5.

Trong cuộc họp báo ngày thứ Ba (9/10), Carrie Lam cho biết số lượng khách du lịch đến Hồng Kông đã giảm hơn 50% trong tuần lễ vàng từ ngày 1 đến 6/10. Được biết, cư dân từ Trung Quốc thường đến Hồng Kông để mua hàng xa xỉ trong tuần lễ vàng.

Screen Shot 2019-10-10 at 6

Nguồn: Bloomberg. (Minh Tuấn việt hóa)

Tình trạng này khiến nhà đầu tư tự hỏi nỗi đau sẽ kéo dài bao lâu. Từng được xem là trung tâm sản xuất của châu Á trước khi Trung Quốc đại lục trỗi dậy, nền kinh tế Hồng Kông dễ bị tổn thương khi niềm tin tụt dốc vì những hỗn loạn trong thời gian gần đây.

Dong Chen, Chuyên gia kinh tế châu Á cấp cao tại Pictet Wealth Management, cho hay: "Tôi không mong chờ Hồng Kông sẽ có bất kì biện pháp nào có khả năng lập tức xoay chuyển tình thế".

Ông Dong Chen cũng nằm trong số những chuyên gia dự báo Hồng Kông sẽ suy thoái hai quí liên tiếp trong quí III/2019. 

"Kịch bản tốt nhất là sau những bất ổn về chính trị này, chính quyền Hồng Kông có thể nghĩ ra kế hoạch dài hạn hoặc các biện pháp để giải quyết vấn đề cấu trúc này", ông chia sẻ.

1000x-1-2

Nguồn: Bloomberg

Nỗi đau xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cùng với sự vắng bóng về chi tiêu của khách du lịch cũng góp phần làm tăng khả năng Hồng Kông suy thoái trong cả năm 2019.

Hồng Kông chuyển sang trạng thái suy thoái một cách nhanh chóng khi đà suy yếu của kim ngạch xuất khẩu cùng với tác động từ các cuộc biểu tình đã xóa sạch toàn bộ bước tiến của nền kinh tế Hồng Kông từ đầu năm 2019. 

Vào thời điểm đưa ra kế hoạch ngân sách trong tháng 2/2019, Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông Paul Chan dự báo tăng trưởng năm 2019 ở mức 2 - 3%. Nhưng vào tháng 8/2019, ông Paul Chan đã hạ dự báo tăng trưởng xuống 0 - 1%. 

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng của cả năm 2019 giảm xuống dưới 1% và gần đây nhất, JPMorgan & Chase dự báo kinh tế Hồng Kông tăng trưởng 0,3% trong cả năm 2019, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009.

Để ngăn chặn đà suy thoái, trong tháng 8/2019, chính quyền Hồng Kông tung ra chương trình kích thích kinh tế trị giá 2,4 tỉ USD, bao gồm biện pháp tạo lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có khả năng sẽ có thêm kế hoạch tăng chi tiêu trong bài phát biểu chính sách hàng năm của bà Lam vào ngày 16/10.

Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cấp cao ở Oxford Economics, nhận định Hồng Kông có thể tăng chi tiêu trong những lĩnh vực như phúc lợi, dịch vụ y tế và cơ sở vật chất, từ đó có thể giúp giải quyết các vấn đề dài hạn.

Xét tới qui mô của những thách thức chính trị hiện tại, gói kích thích hồi tháng 8/2019 trông như một thay đổi nho nhỏ, nhất là khi so với lượng dự trữ tài khóa 1,2 nghìn tỉ HKD (tương đương 149,3 tỉ USD) tính đến cuối tháng 3/2019.

"Một gói kích thích tài khóa lớn, kịp thời và có mục tiêu bao gồm giảm thuế và ưu đãi thuế có thể làm giảm tác động của suy thoái kinh tế và kích thích nền kinh tế trong ngắn hạ", Paul Luk, Phó Giáo sư tại Đại học Baptist Hồng Kông, nhận định.

Minh Tuấn