Kinh tế Đức đứng trước nguy cơ suy thoái
Ngoài số liệu thống kê Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) yếu kém của quý cuối cùng năm ngoái, nền kinh tế còn bộc lộ nhiều mặt tiêu cực. Chỉ số môi trường kinh doanh mà Viện Ifo công bố cũng giảm mạnh một cách đáng ngạc nhiên trong tháng Một. Viện này dự đoán nền kinh tế sẽ giảm thêm 0,2% trong quý đầu tiên của năm nay. Nếu có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Các nhà kinh tế ở München vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng chung cho kinh tế Đức trong năm 2024 xuống còn 0,7%. Chủ tịch Ifo Clemens Fuest cho biết: "Với dữ liệu mới về GDP quý IV/2023 được công bố hôm nay, có thể chúng tôi phải hạ dự báo tăng trưởng cả năm nay xuống còn 0,3%". Trước đó, kinh tế Đức tăng trưởng nhẹ trong quý I năm ngoái nhưng lại trì trệ trong quý II và III.
Nền kinh tế Đức yếu kém chủ yếu là kết quả của lạm phát cao và sự thay đổi lãi suất. Tuy nhiên, cả hai yếu tố đều mang tính toàn cầu chứ không chỉ ảnh hưởng đến Đức. Xung đột Nga-Ukraine cũng tác động mạnh tới kinh tế nước này.
Ông Ferdinand Fichtner, chuyên gia kinh tế của Đại học Khoa học Ứng dụng Berlin (HTW), cho biết: "Sự phát triển kinh tế khá bất lợi hiện nay so với thế giới phần lớn là do mức độ phụ thuộc cao vào Nga trước đây". Giá năng lượng từ lâu đã bắt đầu giảm về mức bình thường nhưng ở Đức luôn cao hơn những nơi khác.
Xung đột Trung Đông, chiến sự tại Ukraine, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, nền kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh là những "cơn gió ngược" với kinh tế Đức.
Ngoài ra, theo dữ liệu Cảnh báo Thương mại Toàn cầu, khoảng 3.000 hạn chế thương mại mới đã được áp dụng trong năm 2023 so với khoảng 1.100 hạn chế trong năm 2019. Điều này đặc biệt gây tổn hại cho nền kinh tế Đức, vốn phụ thuộc vào thương mại quốc tế. Vào năm 2022, giá trị xuất nhập khẩu của Đức đạt khoảng 3.000 tỷ euro (khoảng 3.249 tỷ USD), chiếm hơn một nửa của toàn bộ Liên minh châu Âu (EU).