Kinh tế Bình Dương phụ thuộc vào sản xuất công nghiệp
Bình Dương, thủ phủ công nghiệp của Việt Nam, tiếp tục chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2024, với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,2%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của tỉnh kể từ năm 2020. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, Bình Dương duy trì vị thế tăng trưởng nhưng phụ thuộc còn quá lớn vào nền sản xuất công nghiệp.
Tăng trưởng kinh tế sản xuất, xuất khẩu
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân, Bình Dương là tỉnh có nền kinh tế gắn liền với hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, thương mại, xuất - nhập khẩu.
Với độ mở nền kinh tế lớn, khả năng phục hồi tăng trưởng của tỉnh phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố ngoại lực như: hoạt động sản xuất công nghiệp, đơn hàng xuất - nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài. Những yếu tố sản xuất công nghiệp phục hồi thì nền kinh tế sẽ phát triển mạnh và ngược lại khu vực này gặp khó khăn sẽ cản trở sự phát triển chung của tỉnh.
Điểm lại những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế tỉnh này trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp có mức tăng khá so với cùng kỳ, đạt 5,63%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã đạt 13% kế hoạch đề ra. Điều này cho thấy cùng với sản xuất công nghiệp dần đi vào ổn định, dịch vụ hàng hóa tiêu dùng đã tăng trưởng mạnh trở lại, đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội.
Hoạt động xuất - nhập khẩu của Bình Dương trong nửa đầu năm 2024 cũng ghi nhận những con số ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 16,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực vào sự thặng dư thương mại 5,2 tỷ USD. Những kết quả này phần lớn nhờ vào sự hồi phục của các yếu tố ngoại lực như đơn hàng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Bình Dương tiếp tục thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh đã thu hút 32.313 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, với 3.026 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp giải thể giảm 9,5%.
Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 633 triệu USD, xếp thứ 11 cả nước và đạt 35,1% chỉ tiêu đề ra. Quy mô trung bình của mỗi dự án FDI là khoảng 9,5 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 69.128 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 759.161 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ đầu tư cho 13 dự án mới với tổng vốn đầu tư khoảng 47.395 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024.
Thách thức và cơ hội
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng còn lại của năm 2024, kinh tế của tỉnh sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ vào hiệu lực của nhiều chính sách quan trọng.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2024, dự kiến tốc độ tăng trưởng quý III/2024 phải cao hơn mức tăng trưởng bình quân quý III các năm gần đây. Các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ cả năm 2024 phải tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023 mới đạt chỉ tiêu đề ra.
Làm việc với các ngành chức năng tại Hội nghị Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 ngay trong đầu tháng 7 này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đánh giá tốc độ tăng trưởng GRDP quý II tuy có tăng so với quý I/2024 và cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, Bình Dương chỉ xếp thứ 34 cả nước và đứng thứ 5/6 các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Mức tăng trưởng này cho thấy tăng trưởng của tỉnh có một số hạn chế, chưa có sự bứt phá nhanh và bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu các ngành tập trung điều hành tăng tốc, quyết liệt để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8-8,5% trong quý 3 và quý 4; giải ngân đầu tư công trên 95%; thu hút đầu tư đạt kế hoạch đề ra. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bơm vốn mạnh vào thị trường mới kích thích các lĩnh vực kinh tế khác phát triển.
Trong khi đó, theo các chuyên gia đánh giá, Bình Dương khá lệ thuộc vào nền kinh tế sản xuất công nghiệp, nhất là khu vực sản xuất có vốn FDI. Nếu lĩnh vực này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như giá cả và thị trường bên ngoài, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của tỉnh.
Theo nhìn nhận chung với 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh Bình Dương cần nâng cao năng lực dự báo xu hướng biến động của nền kinh tế thế giới và trong nước, nhằm kịp thời tham mưu các giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp với lợi thế sẵn có từng ngành, lĩnh vực của tỉnh; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.
Đồng thời có các giải pháp thu hút dòng vốn FDI xanh, đầu tư có chọn lọc các ngành nghề đáp ứng được mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, các ngành dịch vụ chất lượng cao, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao tỷ trọng thương mại và dịch vụ. Mặt khác, thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật để tạo ra động lực, dư địa phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Tỉnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư trong năm 2024 và năm 2025 theo đúng Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh. Đồng thời, huy động hiệu quả và kịp thời bổ sung nhằm phát huy tính động lực, dẫn dắt từ nguồn vốn đầu tư công năm 2024.
Bên cạnh đó kịp thời thực hiện các giải pháp ổn định hoạt động xuất - nhập khẩu và thu hút đầu tư trong và ngoài nước để duy trì đà tăng trưởng ổn định và giải quyết các vấn đề về nguồn lực đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án trọng điểm, góp phần vào mục tiêu giúp Bình Dương giữ vững trên con đường trở thành thủ phủ công nghiệp hàng đầu của Việt Nam.