|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh hoàng với rác ở Côn Đảo

11:10 | 24/02/2019
Chia sẻ
Côn Đảo đẹp lắm, đó chắc chắn là lời xác nhận nếu bạn đã một lần đáp máy bay đến đây, được nhìn thấy Côn Đảo từ trên cao và cả trên con đường từ sân bay Cỏ Ống về trung tâm huyện. Những bãi biển hoang sơ với màu nước xanh ngọc bích vắng vẻ, những con đường dốc uốn lượn với rất nhiều cây xanh có lẽ rất khó lẫn vào đâu được.
kinh hoang voi rac o con dao Nguy cơ rác thải đe dọa Đông Nam Á
kinh hoang voi rac o con dao

Rác thải ở Côn Đảo. Ảnh: Báo Nhân Dân

Người viết đã từng đến đây, thuê một chiếc xe máy để tự mình khám phá Côn Đảo và thật sự ngất ngây với cảnh sắc cho tới sự thân thiện của con người nơi đây. Nhất là chuyện xe cộ cứ để ngoài đường khi đêm về vì chẳng ai lấy, có chăng chỉ là mấy ông xỉn thấy tiện sẽ xách xe đem quăng đâu đó. Dù đến đây với mong ước được một lần viếng thăm những địa danh rất nổi tiếng của huyện như nghĩa trang Hàng Dương, thăm mộ cô Sáu, các anh hùng của hai cuộc kháng chiến cũng như viếng qua nhà tù khét tiếng Phú Hải, Vườn Quốc gia Côn Đảo hay thăm bất kỳ nơi đâu cũng không thể bỏ qua những bãi biển đẹp không tưởng. Đó có thể nói là ưu điểm lớn của Côn Đảo mà dân ham du lịch khám phá thật sự không thể bỏ qua khi có dịp đặt chân đến đây.

Chỉ là một huyện đảo nhỏ thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với dân số chưa tới 10 ngàn người nhưng lượng khách du lịch đặt chân đến huyện đảo này đã lên tới mức hơn hai trăm ngàn người một năm. Ngoài việc giúp ngành du lịch ở Côn Đảo phát triển thì chuyện phát sinh vấn đề ô nhiễm do rác thải từ lượng lớn du khách cộng với rác thải từ sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, xây dựng và vô số những hoạt động khác đã dẫn đến tình trạng quá tải cho việc xử lý rác thải.

Tự hỏi với dân số ít ỏi như vậy làm sao mà lượng rác thải phát sinh hàng ngày lại lên tới 15 tấn/ngày và trong số 15 tấn rác đó có những loại rác gì, loại nào có thể tái chế, tái sử dụng hay không xử lý được nên phải tiến hành tiêu hủy theo cách thông thường như chôn lấp và một số thì đóng gói đưa vào đất liền xử lý?

Việc quản lý rác thải sinh hoạt lẫn các hoạt động khác của Côn Đảo có lẽ nên được các cấp quản lý xem xét một cách bài bản và cũng nên áp dụng ngay việc đánh giá, phân loại để thuận tiện cho việc xử lý. Không chỉ có người dân ở đảo mà khách đến đây dù với bất kỳ mục đích gì cũng phải biết một điều góp phần giữ sạch đẹp cho đảo là điều rất quan trọng, hạn chế hoặc cấm những loại rác thải nguy hại cho môi trường sống trên đảo cũng như giữ sạch bờ biển là điều kiện bắt buộc chứ không phải vận động tuyên truyền.

Việc vận chuyển rác thải từ đảo về đất liền xử lý phải tốn chi phí, không thể dành thêm diện tích đất vốn hạn hẹp của đảo làm bãi rác, không thể xem việc để lại rác thải sau mỗi lần tới đảo rồi đi bất chấp hành động này gây tổn hại đến môi trường sống của người dân trên đảo cũng như gây ô nhiễm cho những bãi biển nên thơ đẹp đẽ được. Bởi việc xử lý những tổn hại cho môi trường đều khó khăn và việc khôi phục lại hiện trạng ban đầu còn khó khăn và hao tốn rất nhiều nên cần thiết chính quyền địa phương áp dụng biện pháp mạnh để hạn chế việc làm vô ý thức của những du khách cố ý vi phạm. Ngay cả việc bắt buộc người xả rác thực hiện lao động công ích như dọn rác nơi vi phạm trong số giờ nhất định bên cạnh việc phạt hành chính là điều thật sự cần thiết áp dụng càng sớm càng tốt.

Một huyện đảo nhỏ bé nhưng ẩn chứa rất nhiều điều có giá trị về lịch sử nhất định phải có cách quản lý mạnh tay hơn với những hành vi có thể gây tổn hại đến môi trường sống cũng như cảnh quan rất đẹp, rất yên bình nơi đây. Những giải pháp hữu hiệu về quản lý và xử lý rác thải rất cần được sớm thực hiện để trong tương lai gần tạo nên hình ảnh như một ”huyện đảo không rác thải” là điều mà ai yêu thương vùng đất này thật sự rất mong muốn và rất sẵn lòng góp sức giữ gìn cùng người dân Côn Đảo.

Không túi nylon, không sử dụng ống hút nhựa, không rác thải điện tử... hy vọng sẽ sớm được áp dụng ở nhà hàng, quán ăn, khu dân cư trên đảo trong nỗ lực cùng nhau xây dựng nơi đây thành điểm đến ấn tượng với du khách không chỉ về mặt lịch sử mà còn là điểm đến hấp dẫn cho những ai trót đem lòng yêu thương vùng đất này.

Ngày 21-2, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cuộc họp nghe báo cáo phương án vận chuyển rác thải sinh hoạt từ huyện Côn Đảo về bãi xử lý rác tập trung xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ.

Tính tới cuối tháng 3-2018, lượng rác tồn đọng ở Côn Đảo khoảng 70.000 tấn; trong khi lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 15 tấn/ngày nhưng huyện chỉ xử lý được 5 tấn/ngày. Vì vậy, UBND huyện Côn Đảo đề xuất phương án rác sẽ được ép, đóng kiện và vận chuyển về đất liền bằng tàu biển để xử lý.

Tổng kinh phí thực hiện vận chuyển toàn bộ số rác tồn đọng khoảng hơn 35 tỉ đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Quốc đồng ý đề xuất của huyện Côn Đảo và giao Sở Xây dựng tỉnh thẩm định phương án và khẩn trương làm việc với đơn vị tiếp nhận xử lý rác thải để hoàn tất việc di dời rác tồn đọng ở Côn Đảo trước mùa mưa.

Xem thêm

Hồng Nguyễn