|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kinh doanh dưới giá vốn, Thép Việt Ý tiếp tục chìm trong thua lỗ

09:24 | 19/01/2019
Chia sẻ
Thép Việt Ý cho biết, do thị trường biến động mạnh, trong khi công ty phải chuẩn bị mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trước mấy tháng dẫn đến lỗ chi phí nguyên vật liệu đầu vào.
 

CTCP Thép Việt Ý (Mã: VIS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 với doanh thu thuần 1.372 tỉ đồng, giảm 8% so với cùng kì. Giá vốn hàng bán 1.532 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kì năm trước. Theo đó, Thép Việt Ý ghi nhận lãi gộp âm hơn 150 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 13,2 tỉ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính chiếm tỉ trọng nhỏ, giảm từ 6,3 tỉ đồng xuống 4 tỉ đồng. Chi phí tài chính ở mức 23,4 tỉ đồng, tăng 27,9% so với cùng kì.

Chi phí bán hàng giảm mạnh từ 10,2 tỉ đồng xuống 2 tỉ đồng trong quý IV đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 15,4 tỉ đồng, giảm 18,5%.

Sau khi trừ đi các chi phí, Thép Việt Ý ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 195,6 tỉ đồng trong khi cùng kỳ 2017 lỗ 23,8 tỉ đồng.

Năm 2018, doanh thu thuần đạt 5.229 tỉ đồng, giảm 14% so với năm trước và hoàn thành 74% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm gần 326 tỉ đồng, trong khi năm 2017 vẫn lãi 43,5 tỉ đồng.

Theo giải trình của công ty, do chính sách hạn chế nhập khẩu phế liệu của Chính phủ, việc gia hạn giấy phép nhập khẩu thép bị chậm trễ làm ảnh hưởng đến quá trình nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, làm phát sinh chi phí lưu tàu, chi phí hủy hợp đồng và các chi phí khác.

Mặt khác, Thép Việt Ý cho biết, thị trường biến động mạnh, đặc biệt là thị trường sản xuất phôi thép làm cho sản lượng phôi bán ngoài của công ty giảm mạnh. Nhà máy phôi hoạt động cầm chừng dẫn đết kết quả lỗ chi phí cố định phát sinh.

Ngoài ra, do thị trường biến động mạnh, trong khi Thép Việt Ý phải chuẩn bị mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trước mấy tháng dẫn đến lỗ chi phí nguyên vật liệu đầu vào.

Kết quả kinh doanh kém khả quan của Thép Việt Ý nằm trong bối cảnh ngành thép gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc bảo hộ thương mại đang gia tăng tại nhiều quốc gia/khu vực, giá thép nhiều khả năng sẽ bị phân hóa đối với các khu vực.

Thêm vào đó, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành kế hoạch cắt giảm công suất và hiện tại đang nới lỏng các tiêu chuẩn môi trường đối với sản xuất thép. Cộng với việc nguồn cung thép Việt Nam tăng lên khá mạnh, giá thép sẽ chịu áp lực giảm khá lớn trong năm 2019.

Tại 31/12/2018, tổng tài sản của Thép Việt Ý đạt 2.684 tỉ đồng, giảm 10% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, phải thu ngắn hạn 938 tỉ đồng, giảm 30%; hàng tồn kho tăng khá mạnh từ 535 tỉ đồng lên 870 tỉ đồng.

Nợ vay ngắn hạn ở mức 1.445 tỉ đồng, tăng 18,5% đến từ khoản vay 225,4 tỉ đồng tại Ngân hàng Mizuho Bank được bảo lãnh bởi công ty mẹ Kyoei Steel. Tổng giá trị hợp đồng 25 triệu USD.

kinh doanh duoi gia von thep viet y tiep tuc chim trong thua lo
(Nguồn: Báo cáo tài chính của Thép Việt Ý).

Dù dòng tiền hoạt động kinh doanh âm nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Thép Việt Ý vẫn ở mức 203 tỉ đồng trong khi cùng kỳ âm 401 tỉ đồng, chủ yếu từ thu hồi cho vay và bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác.

Xem thêm

Minh Anh