|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

KIF: Kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng -1,2% trong năm 2020

00:30 | 07/11/2020
Chia sẻ
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn báo cáo "Xu hướng tài chính 2020 và triển vọng 2021" của Viện Nghiên cứu Tài chính Hàn Quốc (KIF) trong đó đưa ra dự báo rằng nền kinh tế “xứ sở Kim chi” sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng -1,2% trong năm 2020 song sẽ bứt phá lên mức 2,9% trong năm 2021.

Phát biểu tại buổi thảo luận về "Xu hướng tài chính 2020 và triển vọng 2021" ngày 5/11 vừa qua, Trưởng phòng nghiên cứu vĩ mô thuộc KIF Park Sung-wook nhận định rằng tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm trong năm 2020 do tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều bị đình trệ bởi cú sốc từ đại dịch COVID-19 song sẽ hồi phục tương đối vào năm 2021. 

Theo chuyên gia này, nếu nhu cầu trong và ngoài nước được hồi phục sau khi vắc-xin ngừa COVID-19 được phát triển và lưu hành đại trà, các chính sách tài chính, tiền tệ nới lỏng được triển khai...thì xuất khẩu và đầu tư có thể tăng trở lại.

Tuy nhiên, ông Park Sung-wook cũng lưu ý thêm rằng dự báo tỷ lệ tăng trưởng năm 2021 sẽ đạt mức 2,9% với điều kiện là Hàn Quốc phải kiểm soát được đại dịch COVID-19 ngay trong mùa Đông này và vắc-xin COVID-19 được phê duyệt đưa vào sử dụng vào đầu năm 2021. 

Với giả định nền kinh tế "xứ sở Kim chi" bắt đầu hồi phục ngay từ nửa đầu năm 2021, sau khi vắc-xin ngừa COVID-19 được phê duyệt thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong cả năm 2021 có thể đạt tới 3,5%.

Cụ thể, tiêu dùng tư nhân được dự báo tăng trưởng -4,5% trong năm 2020 và 2,7% trong năm 2021. Đầu tư thiết bị tăng 6,1% trong năm nay và 4% trong năm sau, đầu tư xây dựng tăng -1% trong năm nay và 1,3% trong năm sau, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng -3,9% năm nay và 5,8% năm sau, tổng kim ngạch nhập khẩu là -4,4% năm nay và 4,1% năm sau.

Lĩnh vực tiêu dùng tư nhân cũng dần hồi phục do các chủ thể kinh tế bắt đầu thích ứng với tình hình dịch COVID-19, thận trọng nối lại các hoạt động kinh tế. Thêm vào đó là ảnh hưởng tích cực từ các chính sách của chính phủ. 

Tuy nhiên, do người dân vẫn còn lo ngại lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nên sẽ mất nhiều thời gian để tiêu dùng tư nhân có thể quay trở lại như mức trước đại dịch. 

Đầu tư thiết bị tiếp tục duy trì đà tăng trưởng do các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư ở lĩnh vực chip bán dẫn và Chính phủ xúc tiến Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc. Đầu tư xây dựng sẽ chuyển từ tăng trưởng âm sang tăng trưởng dương do Chính phủ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội. 

Bên cạnh đó, lao động có việc làm sẽ giảm 180.000 người trong năm 2020 và tăng 120.000 người trong năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp của năm 2020 được dự báo là 4,2% song sẽ giảm còn 3,9% vào năm 2021.

Theo nhận định của ông Park Sung-wook, sự hồi phục kinh tế của Hàn Quốc cũng sẽ góp phần cải thiện tình hình tuyển dụng trong năm 2021. Tuy nhiên, xu hướng giảm dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) bắt đầu từ năm 2019 lại là yếu tố hạn chế xu hướng tăng lao động có việc làm. 

Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng được dự báo là 0,5% trong năm 2020 và lên mức 0,8% trong năm 2021. Cán cân vãng lai năm 2020 sẽ đạt mức thặng dư 58,9 tỷ USD và tăng lên 62,3 tỷ USD trong năm 2021. Đáng chú ý là tỷ giá hối đoái giữa đồng won/USD trong năm 2021 được dự báo sẽ duy trì ở mức 1.125 won/USD.

Anh Nguyên

Nên bỏ tiền vào tài sản đầu tư nào: Vàng, chứng khoán hay bất động sản?
Rót tiền vào đâu luôn là mối quan tâm thường trực của các nhà đầu tư. Việc quyết định đầu tư vàng, cổ phiếu hay bất động sản... phụ thuộc vào tình hình vĩ mô cùng những thông tin kinh tế, xã hội trong nước và thế giới. Tuy nhiên, không có công thức chung nào cho tất cả. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể điều chỉnh chiến lược phù hợp với bối cảnh kinh tế và khẩu vị của bản thân nhằm gia tăng lợi nhuận.