|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiến nghị tạm hoãn làm Sân bay Long Thành, chuyển nguồn vốn đầu tư sang hỗ trợ các doanh nghiệp để ứng phó với dịch COVID-19

12:40 | 05/04/2020
Chia sẻ
ĐH Kinh tế Quốc dân kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH-ĐT tạm hoãn các khoản đầu tư công chưa cấp bách, ví dụ như sân bay Long Thành. Thực tế, việc đầu tư sân bay là cần thiết, tuy nhiên trong thời gian này nên chuyển các nguồn vốn này sang hỗ trợ các doanh nghiệp. Sau khi nền kinh tế hồi phục sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư.

ĐH Kinh tế Quốc dân vừa công bố đánh giá tác động thông qua 3 kịch bản dự báo về tác động của dịch COVID-19 tới kinh tế Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách trước dịch COVID-19. 

Kết quả nghiên cứu của Báo cáo này cho thấy, nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. 

Kiến nghị tạm hoãn làm Sân bay Long Thành, chuyển nguồn vốn đầu tư sang hỗ trợ các doanh nghiệp để ứng phó với dịch COVID-19 - Ảnh 1.

ĐH Kinh tế Quốc dân kiến nghị tạm hoãn làm Sân bay Long Thành, chuyển nguồn vốn đầu tư sang hỗ trợ các doanh nghiệp để ứng phó với dịch COVID-19.

Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000 - 880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000 - 1,32 triệu người.

Bản báo cáo đưa ra các khuyến nghị chính sách trong giai đoạn dịch bệnh và hậu COVID-19. Đến thời điểm này, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này của một cơ sở giáo dục đại học trong nước, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam. 

Báo cáo cho biết, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương. 

44,7% doanh nghiệp cắt giảm qui mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kì khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc đến hết quí 2 thì phản ứng chính sách nên mang tính "hỗ trợ". Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quí 3 hoặc hết năm 2020) chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính "giải cứu". 

Trong mọi trường hợp cần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa này cần phải được giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết, tránh xảy ra đứt gãy trong sản xuất và cung ứng.

Cần có sự lựa chọn hợp lí các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ. Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt (hàng không, du lịch, thương mại, dịch vụ). 

Một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt. Song song với đó, cần xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam lẫn các quốc gia khác trên thế giới.

ĐH Kinh tế Quốc dân kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH-ĐT có kế hoạch giải ngân chi tiết cụ thể các dự án, chương trình lớn; có thể hoãn một số chương trình đầu tư chưa quan trọng, nâng hạn mức gói thầu được cho phép chỉ định thầu, đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu qua mạng.

Thứ nhất, có kế hoạch giải ngân chi tiết cụ thể các dự án lớn, quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Đối với các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cho phép tiếp tục giải ngân số vốn còn lại của năm 2019 đến hết tháng 6/2020.

Đối với các dự án, công trình quan trọng, cấp bách nhưng chưa bố trí được nguồn vốn thì các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư và chủ động làm việc với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính để xử lí nguồn vốn, kể cả việc tạm ứng từ ngân sách nhà nước để thực hiện.

Tạm hoãn thu hồi các khoản vốn ngân sách nhà nước đã ứng trước kế hoạch 2020. Cho phép tiếp tục giải ngân số vốn trái phiếu Chính phủ còn lại của năm 2019 trong năm 2020. Cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư với các dự án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ đã có trong danh mục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao.

ĐH Kinh tế Quốc dân cũng kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH-ĐT tạm hoãn các khoản đầu tư công chưa cấp bách, ví dụ như sân bay Long Thành. "Thực tế, việc đầu tư sân bay là cần thiết, tuy nhiên trong thời gian này nên chuyển các nguồn vốn này sang hỗ trợ các doanh nghiệp. Sau khi nền kinh tế hồi phục sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư", báo cáo nêu rõ.

Sân bay Long Thành được qui hoạch theo 3 giai đoạn đến năm 2040 bao gồm 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành, giai đoạn một sẽ đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm, nhà ga hành khách 1,2 triệu tấn hàng hóa. 

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn một là 111.922 tỉ đồng (4,7 tỉ USD), dự kiến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Khánh Hà