|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19: Những địa phương có nguy cơ cao như Hà Nội, TP HCM... có thể tiếp tục cách li xã hội sau ngày 15/4?

17:07 | 14/04/2020
Chia sẻ
Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ phân các địa phương theo 3 nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp với dịch COVID-19. Các chuyên gia tập trung rà soát nhóm các địa phương được dự báo là nguy cơ cao, đưa ra phương án cần tiếp tục áp dụng cách li xã hội thêm một thời gian...

Theo thông tin từ Chính phủ, sáng 14/4, nhóm các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ thông tin do Bộ KH&CN và Bộ TT&TT chủ trì đã rà lại các kết quả nghiên cứu của Nhóm để giúp BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19 hoàn thiện phương án kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện "cách li xã hội" theo Chỉ thị 16.

Kiến nghị những địa phương có nguy cơ cao như Hà Nội, TP HCM... cần tiếp tục áp dụng cách li xã hội sau ngày 15/4 - Ảnh 1.

Hàng quán đóng cửa im lìm tại TP HCM trong thời gian cách li xã hội từ ngày 1/4 tới 15/4. Ảnh: VOV.

Từ đầu tháng 3, nhóm đã bắt tay xây dựng, phân tích dữ liệu và mô hình dự báo nguy cơ dịch bệnh theo từng tỉnh, thành phố. Mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số, trong đó có các chỉ số về năng lực phản ứng của từng địa phương. 

Dự báo này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, điều kiện, tình hình các địa phương khác nhau, nên cần có các yêu cầu, giải pháp khác nhau nhằm mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương được phân theo 3 nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.

Các chuyên gia tập trung rà soát nhóm các địa phương được dự báo là nguy cơ cao, cần tiếp tục áp dụng "cách li xã hội" như qui định tại Chỉ thị 16 thêm một thời gian. Hai nhóm còn lại sẽ thực hiện "nới lỏng".

Đặc biệt, Nhóm cũng thảo luận những biện pháp cần thống nhất áp dụng trên qui mô cả nước (cho cả 3 nhóm) để BCĐ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày mai 15/4.

Theo đó, các biện pháp cần tiếp tục áp dụng trên quy mô cả nước bao gồm: Yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc, cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ vui chơi, giải trí… 

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của chính quyền thì những người tham gia phải được giám sát y tế theo qui định riêng.

Ngoài các biện pháp quy định chung, người đứng đầu chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để qui định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép.

Trước đó, sáng 13/4, tại cuộc họp BCĐ quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải sẵn sàng cho tình huống dịch bệnh còn dài nên "cách li xã hội" sau ngày 15/4 cần tính đến yếu tố địa bàn, nhóm đối tượng, nhóm ngành nghề với tinh thần không được chủ quan, lơi lỏng, đồng thời vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với BCĐ quốc gia chiều cũng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19 hoàn thiện các phương án cụ thể về thực hiện "cách li xã hội" để báo cáo Thủ tướng quyết định trong ngày 15/4.

K.Hà