|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Kiến nghị hoãn nộp tiền sử dụng đất, giảm thuế TNDN 10% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội

08:30 | 22/02/2017
Chia sẻ
Hiệp hội kiến nghị Chính phủ có chính sách thí điểm cho chủ đầu tư được tạm hoãn, chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án, và được giảm thuế GTGT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% và được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa đưa ra một số đề xuất cơ chế, chính sách đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP Hồ Chí Minh.

kien nghi hoan nop tien su dung dat giam thue tndn 10 cho chu dau tu du an nha o xa hoi
Nhà ở xã hội (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Hiệp hội, Luật Đất đai 2013 đã quy định không miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án căn hộ nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (khoảng từ 1,5 triệu - 3 triệu đồng/tháng), Hiệp hội kiến nghị Chính phủ có chính sách thí điểm cho chủ đầu tư được tạm hoãn, chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án, và được giảm thuế GTGT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, và được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi.

Tiếp nữa, lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 1 điều 21 Nghị định 100 của Chính phủ không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư, trên cơ sở giá bán nhà ở xã hội đã được tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, và lãi vay (nếu có); không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán nhà ở xã hội. Chính sách này không hấp dẫn nhà đầu tư. Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội của thành phố với tinh thần cống hiến và không trục lợi.

Luật Nhà ở quy định chủ đầu tư của tất cả các dự án nhà ở thương mại phải có trách nhiệm dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Quy định dự án có quy mô từ 10 ha trở lên phải xây nhà ở xã hội trong dự án có thể chưa phù hợp với tất cả dự án lớn.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư dự án có quy mô từ 10 ha trở lên cũng được đề xuất lựa chọn một trong ba phương thức để thực hiện nghĩa vụ: (i) Xây dựng nhà ở xã hội tại dự án; (ii) Hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác; (iii) Hoặc thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định. Nguồn tiền thu được này sẽ được đầu tư vào các dự án phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch của địa phương.

Hiệp hội kiến nghị Chính phủ phân cấp cho các tỉnh, thành phố phê duyệt tất cả các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thì hợp lý hơn. Bởi lẽ theo quy định tại khoản 4 điều 9 Nghị định 99 của Chính phủ thì dự án nhà ở có quy mô từ 2.500 căn trở lên, kể cả dự án nhà ở xã hội, phải làm thủ tục gửi Bộ Xây dựng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong lúc Luật Đầu tư quy định chỉ những dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên mới phải trình Chính phủ.

Quỹ đất nhà ở xã hội có được do trích lập từ 20% quỹ đất kinh doanh của các dự án nhà ở thương mại có giá trị rất lớn, cần được quản lý và sử dụng hiệu quả. Nhưng cho đến nay, đối với các dự án được quy đổi nghĩa vụ tạo quỹ đất nhà ở xã hội nhưng được tính bằng tiền, Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn về cơ chế thu ngân sách, quản lý, sử dụng nguồn lực này để phát triển nhà ở xã hội của địa phương.

kien nghi hoan nop tien su dung dat giam thue tndn 10 cho chu dau tu du an nha o xa hoi
Ảnh minh họa: Internet

Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính có cơ chế bảo lãnh các nguồn vay ODA để phát triển nhà ở xã hội của các tỉnh, thành phố khi có nhu cầu này. Hiệp hội được biết, có Chính phủ nước ngoài có thể hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn cho TP Hồ Chí Minh để phát triển nhà ở xã hội, nhưng yêu cầu phải có văn bản bảo lãnh của Bộ Tài chính. Nếu có thêm nguồn vốn này sẽ tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội với quy mô lớn hơn, nhanh hơn.

Bên cạnh đó, Thông tư 20 năm 2016 của Bộ Xây dựng không cho phép doanh nghiệp đầu tư phát triển loại nhà trọ, phòng trọ có diện tích tối thiểu 10m2, trong lúc doanh nghiệp nếu được tham gia thì sẽ làm tốt hơn cá nhân, hộ gia đình. Thông tư này cũng không cho phép làm căn hộ cho thuê dưới 25m2 trong lúc nhu cầu thuê căn hộ nhỏ, giá rẻ của xã hội rất lớn, và về mặt kỹ thuật và mỹ quan thì "căn hộ" tốt hơn "phòng trọ".

Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho thí điểm doanh nghiệp được đầu tư phát triển dự án căn hộ cho thuê, nhà trọ, phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2, để dần thay thế các phòng trọ, nhà trọ.

Ngoài ra, từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 cho đến nay, các Bộ chưa báo cáo, đề xuất Chính phủ nguồn tái cấp vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Do đó, thực tế chưa có cá nhân nào được vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội theo chính sách mới. Nếu nỗ lực thực hiện Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ thì mới giải quyết được ách tắc này.

Hiệp hội kiến nghị thực hiện đúng khoản (1.c) điều 58 Luật Nhà ở theo Chỉ thị 03 của Thủ trướng Chính phủ, đó là chủ đầu tư "Được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán".

Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho phép Sở Xây dựng cũng có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các công trình cấp 1 nằm trong quy trình cấp giấy phép xây dựng thì hợp lý hơn.

Hiệp hội kiến nghị Bộ Công an giao cho Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy các loại công trình trên thì phù hợp hơn.

Hiệp hội kiến nghị Bộ Quốc phòng thỏa thuận để Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch Kiến trúc quyết định chiều cao tối đa công trình trong quá trình thẩm định thiết kế và cấp giấy phép xây dựng thì hợp lý hơn(Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch Kiến trúc có trách nhiệm làm việc với Cục Tác chiến để thống nhất về bản đồ phễu bay, và cao độ tĩnh không).

Theo Hiệp hội, TP Hồ Chí Minh có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn, nhưng sẽ chỉ có khoảng 10.000 người mua được loại nhà này chiếm khoảng 1% người có nhu cầu.

Nhà ở xã hội với căn hộ nhỏ 25 - 30m2 đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình ít người, hộ độc thân; tuy nhiên, hướng chủ đạo của thành phố là cần tập trung phát triển loại căn hộ 2 phòng ngủ có diện tích 50 - 77m2 có giá bán vào khoảng 500 - 700 triệu đồng/căn.

Khổng Chiêm