Kiến nghị công nhận Thừa Thiên - Huế là ‘đô thị di sản đặc thù’, TP trực thuộc T.Ư
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Phan Ngọc Minh)
Chiều 17.8, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội những kết quả đạt được trong thời gian qua, kết quả thực hiện Kết luận 48/KL-TW và Thông báo 175/TB-TW của Bộ Chính trị, cũng như những khó khăn vướng mắc đề nghị T.Ư quan tâm tháo gỡ.
Theo ông Thọ, trước đây TP.Huế đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; vào năm 2014 (sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 48/KL-TW), nếu theo tiêu chí xác định đô thị loại I theo Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì khu vực TP.Huế và vùng phụ cận được đánh giá đạt và vượt 8,84 điểm so với điểm chuẩn tối thiểu của đô thị loại I.
Tuy nhiên hiện nay, việc đánh giá đô thị loại I theo các tiêu chí quy định tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) là không khả thi đối với một đô thị mang tính đặc thù về di sản, văn hóa, sinh thái như tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhất là các chỉ tiêu về số lượng dân cư, mật độ dân cư, mật độ xây dựng, giao thông...
Ông Thọ kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH xem xét, có cơ chế, chính sách riêng để công nhận Thừa Thiên - Huế là đô thị di sản đặc thù - TP trực thuộc T.Ư.
Ông Thọ cũng kiến nghị, sau khi đề án mở rộng ranh giới TP.Huế theo hướng hình thành đô thị trung tâm với trục cảnh quan dọc theo sông Hương nhằm có đủ không gian, diện tích để phát triển đô thị theo hướng di sản, văn hóa, cảnh quan và thân thiện môi trường, hoàn thiện đề án trình các cơ quan theo quy định, Chủ tịch Quốc hội quan tâm ủng hộ việc mở rộng ranh giới TP.Huế.
Về đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, để đảm bảo nguồn lực kịp thời thực hiện và giải ngân dự án, ông Thọ kiến nghị Chủ tịch Quốc hội quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo phê duyệt bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019-2020 trong năm 2019 và năm 2020 từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thống nhất chủ trương và chỉ đạo bố trí sử dụng các nguồn vốn còn dư khác của ngân sách T.Ư, như: nguồn vượt thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách trung ương (nếu có) và nguồn dự phòng ngân sách T.Ư hằng năm để thực hiện đề án...
Sau khi lắng nghe kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng hướng đi lựa chọn mô hình “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường” của tỉnh là hoàn toàn đúng với các kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trên cơ sở các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, nội bộ đoàn kết, thống nhất, năng động, đổi mới sáng tạo...; mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, hạn chế tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm...; chú trọng công tác bảo tồn văn hóa di sản...
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những kiến nghị của tỉnh và giao cho các cơ quan chuyên môn của Quốc hội nghiên cứu để đề nghị Chính phủ, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tháo gỡ.