Kiểm tra gấp doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn
Theo nhận dạng của cơ quan thuế, doanh nghiệp có khả năng in, phát hành, mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là doanh nghiệp có một trong chín tiêu chí cơ bản dưới đây:
Thứ nhất, là các cơ sở mới thành lập (hoạt động dưới 12 tháng) có một trong các dấu hiệu: không đóng góp vốn điều lệ, hoặc đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề hoặc chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu.
Thứ hai, doanh nghiệp có doanh thu lớn nhưng kho hàng không tương xứng (hoặc không có kho); hoặc không có xưởng sản xuất hoặc có dưới 10 lao động.
Thứ ba, là các doanh nghiệp xin ngừng nghỉ, bỏ kinh doanh, tạm ngừng, có công văn giải thể sau đó xin hoạt động trở lại, thay đổi người đại diện trước pháp luật, thay đổi trụ sở kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý thuế.
Thứ tư, là các doanh nghiệp mua bán, sáp nhập với giá trị dưới 100 triệu đồng.
Thứ năm, là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu đột biến tăng (từ 50% trở lên) nhưng số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp thấp (dưới 1% doanh thu).
Thứ sáu là các doanh nghiệp có số lượng hóa đơn sử dụng trong kỳ tăng 2 đến 3 lần so với lượng hóa đơn sử dụng bình quân các kỳ trước.
Thứ bảy là các doanh nghiệp không có thông báo phát hành hóa đơn, hoặc có thông báo phát hành nhưng không có báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (hoặc chậm báo cáo).
Thứ tám là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 12 tháng nhưng sử dụng từ 500 đến 2.000 số hóa đơn. Bên cạnh đó, số lượng hóa đơn xóa bỏ lớn, bình quân chiếm khoảng 20% số hóa đơn đã sử dụng.
Thứ chín là các doanh nghiệp không nộp báo cáo tài chính, hoặc có nộp nhưng thu nhập chịu thuế trong kỳ phát sinh dưới 100 triệu đồng.
Tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp diễn ra phức tạp. Ảnh: TL.
Đây là các tiêu chí đã được quy định trong Thông tư 39/2014/TT-BTC được Tổng cục Thuế nhắc lại trong công văn gửi các cơ quan thuế trực thuộc hôm 10-10. Căn cứ vào các tiêu chí này, Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế địa phương xác lập danh sách doanh nghiệp có rủi ro cao và tiến hành kiểm tra ngay trong tháng 10.
Theo Tổng cục Thuế, tình hình cá nhân, tổ chức lợi dụng chính sách thông thoáng về điều kiện thành lập doanh nghiệp, cơ chế tự khai, tự nộp thuế và tự in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn rồi thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích in, phát hành, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tổng cục Thuế cũng đã có chỉ đạo các cơ quan thuế tăng cường kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa cao.
Mới đây, qua công tác thanh tra tại Cục Thuế TPHCM, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra tình trạng mua bán hóa đơn diễn ra rất phức tạp.
Cơ quan chức năng đã phát hiện 44 doanh nghiệp là bên mua sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, không đủ điều kiện để khấu trừ, kê khai, hoàn thuế. Bên cạnh đó còn có 18 doanh nghiệp bên mua sử dụng 349 tờ hóa đơn của doanh nghiệp đã bỏ trốn. Các doanh nghiệp này tiếp tục bỏ trốn, có dấu hiệu của mua bán hóa đơn…
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công an xây dựng cơ chế phối hợp trong xử lý vi phạm về hóa đơn bất hợp pháp nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong công tác này.
Theo Minh Tâm