Kiểm tra chuyên ngành - Trở ngại lớn cho doanh nghiệp
“Mặc dù đã có những cải tiến mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá chủ yếu do trở ngại từ thủ tục kiểm tra hàng hoá chuyên ngành. Đây cũng được coi là một trong những “nút thắt” trong cải cách thủ tục hành chính, theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP”.
Nhận định được đưa ra tại Hội nghị đối thoại giữa Hải quan với Doanh nghiệp do Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF) phối hợp với Ban Cải cách và Hiện đại hoá - Tổng cục Hải quan, Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hà Nội (HanoiBA), Hiệp Hội DNNVV TP Hà Nội (HanoiSME) tổ chức chiều 26/6 tại Hà Nội.
Đại diện Tổng cục Hải quan trả lời vướng mắc của doanh nghiệp. |
Hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn chiếm tỷ lệ cao
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, trong khi thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông quan hàng hóa, nhưng thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã chiếm tới 72% và làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt là tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan còn rất cao (khoảng 30%), trong khi tỷ lệ không đạt yêu cầu rất thấp, chỉ dưới 1%.
Trong khi đó, theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP đã yêu cầu “giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% xuống còn 15% vào năm 2016”. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan thừa nhận mục tiêu này đến nay chưa đạt được.
Theo nhận định của đại diện Tổng cục Hải quan, trên thực tế, việc kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết đang là lực cản cơ bản đối với nỗ lực cải thiện chỉ số “ giao dịch thương mại qua biên giới”, làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng quá mức đối với doanh nghiệp.
Cụ thể như theo số liệu của Cục Hải quan TP HCM cho thấy, năm 2016 đơn vị này chỉ phát hiện 30 trong tổng số hơn 67.000 lô hàng (chiếm 0,04%) không đạt yêu cầu về kiểm tra an toàn thực phẩm.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, thủ tục thông quan dù đã được cải tiến và đơn giản hóa xong vẫn còn rườm rà. Năm 2016, tỷ lệ các thủ tục về hải quan có giảm được trên 50%, nhưng kỳ vọng của doanh nghiệp xuất nhập khẩu là thời gian tới tiếp tục giảm.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội cho rằng, việc giải quyết thủ tục hành chính của ngành Hải quan đang ở cấp độ 3 và tới đây cần nâng lên cấp độ 4 để các thủ tục đều giải quyết trực tuyến.
Đặc biệt, các thủ tục cấp giấy chứng nhận C/O chỉ nên giao cho 1 đầu mối là cơ quan Hải quan, thay vì doanh nghiệp phải đi từ 3-5 đầu mối với nhiều bộ hồ sơ, nhiều thủ tục giống nhau gây mất thời gian. Hơn nữa, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không thanh kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần trong năm, do vậy ngành Hải quan cần đẩy mạnh hậu kiểm, giảm thủ tục tiền kiểm gây mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu.
“Đơn cử như việc nhập khẩu thép vẫn có nhiều Bộ quản lý như Công Thương, Khoa học và Công nghệ nên có những doanh nghiệp tồn kho nguyên liệu đến 30 ngày mới đưa ra để sản xuất. Thủ tục nhiều và rườm rà dẫn đến thời gian giải quyết quá lâu, nếu xác định tinh gọn được các thủ tục, nên hạn chế quy định riêng theo từng bộ ngành, như vậy mới giải quyết nhanh chóng các thủ tục thông quan cho doanh nghiệp”, ông Anh kiến nghị.
Hướng đến doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Từ thực tế trên, lãnh đạo Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF) cho rằng, với vai trò là cầu nối giữa Chính phủ và các cơ quan công quyền với khu vực tư nhân để tham vấn, đối thoại chính sách công - tư liên tục và chặt chẽ trong lĩnh vực hải quan, trong chuyên đề cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại, VPSF dự kiến sẽ thực hiện 7 hoạt động liên quan đến danh mục thông tin hàng hóa thuộc diện quản lý của nhiều Bộ/ngành có thể điều chỉnh trong danh mục kiểm tra chuyên ngành theo đề xuất của doanh nghiệp.
Cụ thể, VPSF xây dựng công cụ và tiến hành đánh giá gánh nặng tuân thủ thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, từ đó rà soát, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật và quy định thủ tục hành chính mảng xuất nhập khẩu, qua đó báo cáo kết quả nghiên cứu và khuyến nghị phương án thực hiện cam kết ASEAN, TPP... về "Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa".
Đồng thời, VPSF cũng sẽ tiến hành rà soát, đánh giá khả năng trực tuyến cấp độ 3 và 4 về việc thực hiện các thủ tục trong danh mục thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Phối hợp xây dựng Cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp, tập huấn theo nhu cầu của doanh nghiệp về thủ tục Hải quan. Qua đó đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) là sáng kiến của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBI (do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và chính phủ Australia thiết lập). VPSF được hình thành vào năm 2016 với 10 nhóm công tác bao quát đủ các lĩnh vưc trọng yếu của nền kinh tế. Diễn đàn đã triển khai các hoạt động thu thập, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp trong từng ngành, tổ chức các buổi đối thoại với các bộ, ngành, cơ quan chức năng. |
Doanh nghiệp làm NOXH được tính lãi cao vào giá bán
Bộ Xây dựng vừa trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về mức lãi suất thương mại khiến chủ đầu tư không thể xây dựng ... |
Doanh nghiệp FDI 'làm mưa làm gió' trong xuất khẩu, thế nào?
Thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố về hoạt động xuất khẩu của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ... |
100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đóng góp 1/4 GDP cả nước
Thống kê cho thấy, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước. |