|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiểm toán nhà nước muốn trực tiếp truy thu thuế

12:17 | 11/03/2019
Chia sẻ
Kiểm toán nhà nước (KTNN) muốn bổ sung đối tượng được kiểm toán gồm cả người nộp thuế và các tổ chức sử dụng, khai thác tài nguyên, đất đai;... đồng thời KTNN có quyền ra quyết định truy thu cho ngân sách nhà nước.
Kiểm toán nhà nước muốn trực tiếp truy thu thuế - Ảnh 1.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị mở rộng đối tượng được kiểm toán và bổ sung thêm quyền cho Kiểm toán nhà nước ẢNH GIA HÂN

Sáng 11.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 32, cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán nhà nước.

Kiểm toán người nộp thuế?

Trình bày về những nội dung đề nghị sửa đổi lần này, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đề nghị quy định làm rõ thêm một số đơn vị được kiểm toán tại luật hiện hành.

Theo đó, bổ sung đơn vị được kiểm toán gồm: người nộp thuế, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản và những tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình tại phiên họp cho rằng, nội dung đề xuất của KTNN thực chất là mở rộng đối tượng được kiểm toán so với quy định của luật hiện hành.

Ông Hải dẫn ý kiến thường trực Ủy ban TCNS cho hay theo quy định của luật Quản lý thuế, khái niệm "người nộp thuế" bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Do đó, quy định như dự thảo luật sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ các tổ chức mà còn cả hộ gia đình và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế đều thuộc diện được kiểm toán, gây chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế.

Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng, trong thời gian qua, với các quy định hiện hành, KTNN vẫn thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán đối với các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài nguyên, khoáng sản của đơn vị được kiểm toán.

Từ đó, đa số ý kiến của thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, nên giữ nguyên như quy định hiện hành.

Thảo luận sau đó, nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất của KTNN. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, hiện nay, hoạt động kiểm toán vẫn chưa bao quát được hết các địa phương trong cả nước, nay lại mở rộng đối tượng là người nộp thuế thì tính khả thi khó có thể đảm bảo được.

Giải trình sau đó, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN chỉ kiểm tra các cơ quan quản lý thuế nhưng muốn đối chiếu các đối tượng nộp thuế để đánh giá cơ quan quản lý thuế có làm đúng trách nhiệm hay không, chứ không phải kiểm toán người nộp thuế, vì KTNN cũng không đủ sức để làm.

Đề xuất được truy nộp ngân sách mở đường cho các đơn vị khiếu nại hành chính?

Một đề xuất khác của KTNN trong tờ trình do ông Phớc trình bày là quy định cho phép Tổng KTNN ra quyết định về việc phải nộp ngân sách nhà nước của tổ chức, cá nhân có liên quan, theo kết quả KTNN. Bên cạnh đó, KTNN cũng đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính cho KTNN trong lĩnh vực kiểm toán.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS cũng không đồng tình với những đề xuất trên

Kiểm toán nhà nước muốn trực tiếp truy thu thuế - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho biết thường trực Ủy ban này không đồng tình với nhiều đề xuất của Kiểm toán nhà nước ẢNH GIA HÂN

Ông Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến của thường trực Ủy ban TCNS đề nghị cân nhắc nội dung này, vì KTNN không phải cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Do đó, theo quy định về xử lý vi phạm hành chính thì KTNN không có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, các hành vi vi phạm của một số tổ chức, cá nhân trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc của cơ quan quản lý cấp trên, nên thay vì bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính cho KTNN, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cơ quan quản lý cấp trên trong việc quản lý, đôn đốc các tố chức, cá nhân thực hiện các quy định và xử lý khi xảy ra các hành vi vi phạm.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, đối tượng chịu kiểm toán là các đối tượng thi hành công vụ, nếu vi phạm quy định liên quan kiểm toán, kế toán thì phải xử lý trách nhiệm kỷ luật, chứ không thể xử phạt hành chính.

"Một hành vi vi phạm chỉ chịu một loại hình pháp lý. Bị xử lý kỷ luật rồi thì tại sao lại chịu xử lý hành chính", ông Lưu nêu vấn đề.

Giải trình thêm, ông Phớc cho biết, hiện nay, KTNN không chỉ kiểm toán cơ quan nhà nước mà còn kiểm toán cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan tư nhân, và gặp phải sự chống đối trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do đó, KTNN muốn có công cụ để xử lý những đối tượng này, chứ không phải xử phạt hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

Đối với đề nghị cho phép KTNN ra quyết định về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến của thường trực Ủy ban TCNS không đồng tình.

"Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định Tổng KTNN có thẩm quyền ra quyết định về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, vì việc ra quyết định đồng nghĩa với việc sẽ chuyến từ các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán thành quyết định mang tính bắt buộc thực hiện", ông Hải cho biết.

Giải thích về vấn đề này, ông Phớc cho hay, theo quy định của luật hiện hành thì các đơn vị được kiểm toán không có quyền khiếu nại KTNN, chỉ được khiếu nại đối với quyết định hành chính, mà kết luận kiểm toán thì không phải là quyết định hành chính. Do đó, KTNN đề nghị bổ sung quy định này để mở đường cho các đơn vị có thể khiếu khiện.

"Nếu UBTVQH không đồng ý thì đề nghị ghi rõ vào luật cho phép các cá nhân, tổ chức khiếu kiện kết luận của KTNN", ông Phớc đề nghị.

Lê Hiệp