Kiểm toán băn khoăn khả năng thu hồi hơn 3.500 tỉ đồng của Tân Tạo (ITA)
Dự án nhiệt điện tỉ đô có nguy cơ bị thu hồi
Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 đã soát xét.
Một trong những nội dung mà kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam) đặc biệt lưu ý là khả năng thu hồi khoản đầu tư và phải thu từ hai công ty có liên quan của Tân Tạo với tổng trị giá hơn 3.500 tỉ đồng.
Cụ thể, theo Ernst & Young, tại ngày 30/6/2019, Tân Tạo ghi nhận khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TDEC) và CTCP Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC 2) với giá trị lần lượt là gần 1.753 tỉ đồng và 418 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ sở hữu 19% và 10%.
Khoản đầu tư của Tân Tạo vào TEDC (1.753 tỉ đồng) và TEC 2 (418 tỉ đồng). Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019.
Tân Tạo còn có các khoản phải thu từ TEDC với số tiền xấp xỉ 1.343 tỉ đồng. Tổng trị giá các khoản góp vốn và phải thu là 3.513 tỉ đồng.
Ernst & Young cho rằng Tân Tạo chưa đánh giá được chắc chắn khả năng thu hồi của các khoản đầu tư và khoản phải thu nói trên do việc này phụ thuộc vào khả năng tiếp tục thực hiện dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
Vào ngày của báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét, lãnh đạo Tân Tạo đang trong quá trình xin các phê duyệt cần thiết từ các cơ quan Nhà nước cho dự án Nhiệt điện Kiên Lương. Kết quả sau cùng chưa được xác định tại ngày lập báo cáo tài chính.
Tại ngày 30/6/2019, giá trị chi phí sản xuất, kinh doanh dài hạn của Tân Tạo tại Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương là 572 tỉ đồng.
Theo Tân Tạo, công ty đang phải thu trên 1.287 tỉ đồng từ việc cho TEDC thuê đất của Tân Tạo tại khu Nhiệt điện Kiên Lương. Số tiền này sẽ đến hạn vào ngày 1/1/2020. Ngoài ra, TEDC còn nhận trước từ Tân Tạo số tiền hơn 55,5 tỉ đồng, tổng số tiền phải thu là gần 1.343 tỉ đồng.
Tại ngày 30/6/2019, TEDC và TEC 2 đang nắm giữ vốn chủ sở hữu của CTCP Năng lượng Tân Tạo (TEC) với tỉ lệ lần lượt là 72% và 14%. TEC đang là chủ đầu tư phát triển dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
Tháng 12/2015, TEC đã kí Biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương về việc cam kết đầu tư và phát triển dự án nhiệt điện Kiên Lương theo hình thức BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao) trên đất mà TEDC đã thuê từ Tân Tạo.
Tuy nhiên theo Quyết định số 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/3/2016, dự án Nhiệt điện Kiên Lương không được bao gồm trong danh mục các Dự án điện Quốc gia.
Trong báo cáo tài chính bán niên soát xét 2019, Tân Tạo cho biết doanh nghiệp đang trong quá trình kiến nghị lên các cơ quan nhà nước để làm rõ vấn đề dự án Nhiệt điện Kiên Lương không được phê duyệt như kế hoạch ban đầu.
Tân Tạo cũng đang xin tiếp tục triển khai vào dự án điện Quốc gia theo kế hoạch dự kiến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2021.
Ngoài ra, Tân Tạo cho biết công ty đã đánh giá giá trị thu hồi của dự án Nhiệt điện Kiên Lương bằng cách ước tính giá trị thanh lí dự án theo giá trị thị trường đất tại khu vực lân cận để chứng minh rằng giá trị thu hồi từ thanh lí dự án là đủ để hoàn trả khoản phải thu từ TEDC và khoản đầu tư vào TEDC và TEC 2.
Vì vậy, Tân Tạo không trích lập bất kì khoản dự phòng nào mà ghi nhận số tiền đầu tư và phải thu liên quan tới TEDC và TEC 2 theo giá gốc.
Năm 2007, Thủ tướng đã có chủ trương đầu tư Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương và tỉnh Kiên Giang đã cấp giấy chứng nhận xây dựng Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 qui mô 2 tổ máy với công suất 600MW mỗi tổ máy, tổng vốn đầu tư 45.792 tỉ đồng.
Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương đã được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt với diện tích khoảng 280 ha. Trong số này, Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 dự kiến chiếm khoảng 160 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD.
Trong một văn bản phúc đáp lại ý kiến của Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC), một lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, từ cuối năm 2011 dự án đã đình trệ, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và không làm thủ tục xin gia hạn nộp theo quy định. Vì vậy tỉnh đề xuất thu hồi dự án tỉ đô này.
Cuối năm 2018, tỉnh Kiên Giang lại có văn bản gửi TEC, nêu rõ: "Dự án trong các năm qua rất chậm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xét thấy công ty không có khả năng thực hiện dự án, liên tục không thực hiện được các cam kết tiến độ, cùng với việc dự án bị đưa ra khỏi Qui hoạch 7 (Qui hoạch phát triển điện lực quốc gia), UBND tỉnh Kiên Giang giữ nguyên đề nghị thu hồi dự án".
Nghĩa vụ nợ tiềm tàng liên quan đến tiền thuê đất
Đơn vị kiểm toán độc lập (Ernst & Young) còn nhấn mạnh nghĩa vụ nợ tiềm tàng của Tân Tạo đối với một số dự án khu công nghiệp của công ty.
Cụ thể, Tân Tạo được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư, xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Cho đến ngày 30/6 năm nay, Tân Tạo đã ghi nhận doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê lại KCN Tân Tạo – Khu Mở Rộng trên tổng diện tích là 904.047 mét vuông và KCN Tân Đức trên tổng diện tích gần 1,9 triệu mét vuông.
Tân Tạo cũng xác định giá vốn tương ứng của diện tích đã được cho thuê lại bao gồm tiền thuê đất phải trả dựa trên đơn giá thuê đất, được ước tính theo hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm và các phụ lục hợp đồng liên quan đã được kí kết với cơ quan có thẩm quyền.
Vào ngày 30/6 năm nay, Tân Tạo đã trích trước tiền thuê đất cho phần diện tích đất này là hơn 27 tỉ đồng.
Theo Luật Đất đai 2013 và các nghị định hướng dẫn, Tân Tạo có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê của diện tích đất đã được cho thuê lại nói trên, số tiền này có thể có chênh lệch với số tiền mà Tân Tạo đã trích trước.
Vào ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm, Tân Tạo đang trong quá trình làm việc với các cơ quan Nhà nước để xác định tiền thuê đất phải trả cho diện tích đã được cho thuê lại nêu trên.
Tân Tạo cho biết công ty đã nộp các hồ sơ cần thiết đến cơ quan nhà nước và đang chờ phản hồi từ các cơ quan này. Kết quả tiền thuê đất chính xác cuối cùng hiện chưa xác định được.