|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Kịch bản thảm họa' mà Fed dùng để sát hạch các ngân hàng trông như thế nào?

12:17 | 15/02/2022
Chia sẻ
Những ngân hàng không vượt qua bài kiểm tra của Fed sẽ phải giữ lại toàn bộ lợi nhuận, không được chia cổ tức hoặc mua cổ phiếu quỹ.
'Kịch bản thảm họa' mà Fed dùng để sát hạch các ngân hàng trông như thế nào? - Ảnh 1.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố các kịch bản giả định dùng trong cuộc sát hạch thường niên (stress test) các ngân hàng thương mại Mỹ.

Mục đích của bài kiểm tra này là để đảm bảo rằng các nhà băng lớn có đủ vốn và thanh khoản để cấp tín dụng cho doanh nghiệp và hộ gia đình, kể cả khi suy thoái nghiêm trọng xảy ra.

Năm nay, 34 ngân hàng sẽ phải làm bài kiểm tra với nội dung chủ yếu là kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng, kết hợp với những khó khăn chồng chất trong thị trường bất động sản thương mại và trái phiếu doanh nghiệp.

Fed sẽ đánh giá sức chịu đựng của các ngân hàng lớn thông qua ước lượng mức thua lỗ, doanh thu ròng và vốn chủ sở hữu trong các kịch bản giả định kéo dài hai năm. Fed lưu ý rằng các kịch bản này chỉ là giả định chứ không phải dự báo.

Ở kịch bản kiểm tra năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ được giả định tăng sốc từ khoảng 4% lên 10% trong hai năm. Như biểu đồ sau đây cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp 10% đã từng xuất hiện không ít lần trong lịch sử Mỹ.

Cùng với đó, kịch bản còn bao gồm giá bất động sản thương mại lao dốc 40%, chênh lệch lợi suất trái phiếu doanh nghiệp nhảy vọt, giá nhiều loại tài sản tụt dốc và biến động thị trường lên cao.

'Kịch bản thảm họa' mà Fed dùng để sát hạch các ngân hàng trông như thế nào? - Ảnh 2.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ chạm đỉnh 14,8% vào tháng 4/2020, cao nhất kể từ khi có số liệu so sánh vào năm 1948.

Bên cạnh kịch bản giả định nói trên, các ngân hàng có hoạt động giao dịch tài chính lớn sẽ còn được kiểm tra bằng một cú sốc đối với thị trường toàn cầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động giao dịch của ngân hàng.

Ngoài ra, những ngân hàng có hoạt động giao dịch và lưu ký lớn như Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley, Wells Fargo, Bank of America sẽ còn được kiểm tra với giả định là đối tác lớn nhất vỡ nợ, không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, Fed thực hiện các đợt kiểm tra sức chịu đựng hệ thống ngân hàng mỗi năm một lần nhằm đảm bảo các ngân hàng có đủ nguồn lực để chống chịu khi những thảm họa kinh tế bất ngờ ập đến.

Những ngân hàng không vượt qua bài kiểm tra của Fed sẽ phải giữ lại toàn bộ lợi nhuận, nỗ lực tìm cách cải thiện các tỷ lệ an toàn vốn, không được chia cổ tức hoặc mua cổ phiếu quỹ.

Nhiều người chỉ trích các đợt kiểm tra sức chịu đựng của Fed đặt ra những đề bài quá "éo le", khiến các ngân hàng phải dự phòng lượng vốn lớn một cách không cần thiết chỉ để chống chịu những kịch bản hàng trăm năm mới xảy ra một lần.

Năm 2020, do tác động bất thường của COVID-19, Fed đã hai lần tiến hành kiểm tra sức chịu đựng của các ngân hàng. Lần kiểm tra thứ 2 gồm hai kịch bản giả định về suy thoái kinh tế toàn cầu. Kịch bản đầu tiên là tỷ lệ thất nghiệp vọt lên 12,5% rồi giảm còn 7,5%, còn kịch bản thứ 2 là thất nghiệp lên đỉnh 11% nhưng rồi giảm ít hơn, còn 9%.

'Kịch bản thảm họa' mà Fed dùng để sát hạch các ngân hàng trông như thế nào? - Ảnh 4.

Kinh tế Mỹ hồi phục sau khi suy giảm trong năm 2020.

Song Ngọc

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.