Kịch bản cán cân tổng thể thâm hụt 16 tỷ USD sẽ không lặp lại, tỷ giá những tháng cuối 2023 dự báo ổn định do cán cân thặng dư khá
Mới đây trên kênh Tài chính và Kinh doanh, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup cho biết theo quan sát từ các dữ liệu có được, tỷ giá chỉ thực sự tăng mạnh khi cán cân tổng thể bị thâm hụt lớn. Nhìn lại thời điểm quý III/2022, cán cân tổng thể âm gần 16 tỷ USD, do vậy tỷ giá căng thẳng là điều hiển nhiên. Trong khi đó giai đoạn năm 2019, 2020, tỷ giá tăng không phải do vấn đề từ cán cân tổng thể nên sau đó tỷ giá được xoa dịu khá nhanh.
CEO WiGroup cũng dự báo cán cân tổng thể sẽ thặng dư khá trong quý II và quý III, cả năm 2023 thặng dư từ nhẹ đến mức trung bình. Việt Nam có nguồn kiều hối mỗi năm khoảng 14 tỷ USD, trong khi đó cán cân thương mại 8 tháng đầu năm thặng dư hơn 20 tỷ USD. Vì thế tỷ giá sẽ không thể biến động mạnh mà sẽ sớm đi vào trạng thái ổn định.
Trước lo ngại gần đây về việc kịch bản tỷ giá biến động mạnh như hồi cuối năm 2022 có thể lặp lại, ông Báu cho hay bối cảnh năm nay và năm ngoái hoàn toàn khác nhau. Thời điểm cuối năm ngoái Fed đang trong giai đoạn tăng mạnh lãi suất, trong khi hiện tại Fed đang ở chặng cuối của chu kỳ thắt chặt. Ngoài ra cán cân vãng lai hiện tương đối mạnh và không có sự lo sợ đổ vỡ dây chuyền của hệ thống ngân hàng.
Trong báo cáo mới nhất, nhóm phân tích của Ngân hàng HSBC cũng đề cập đến vị thế tài khoản vãng lai của Việt Nam thuận lợi hơn và kỳ vọng cải thiện đáng kể trong năm 2024. "Điều này sẽ mang lại một chút tự do về chính sách tiền tệ".
"Cán cân vãng lai của Việt Nam được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể nhưng nguyên nhân lại không phải tối ưu. Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nhu cầu trong nước yếu đi và nhập khẩu giảm, dẫn tới vị thế tài khoản vãng lai thuận lợi', hơn. Xét ở một mức độ nhất định, điều đó cũng giúp ổn định tỷ giá VND và mang lại chút dư địa cho các cơ quan quản lý tiền tệ để tự tách mình độc lập khỏi Fed khi phải tập trung hơn vào các vấn đề trong nước", các chuyên gia tại đây cho hay.
HSBC cho rằng Việt Nam là một trường hợp đặc biệt trong khu vực khi các vấn đề trong nước được đặt nặng hơn so với các vấn đề bên ngoài. Vì vậy, Việt Nam đã cắt giảm lãi suất trước các nước ASEAN khác. Dự báo trong quý III, NHNN sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và sẽ là lần cắt giảm lãi suất cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng hiện tại.
Nhóm phân tích cũng dự báo lạm phát sẽ tăng ở Việt Nam trong năm 2024, nhưng không đủ cao để kích thích tăng lãi suất. "Lạm phát ở Việt Nam sẽ tăng lên mức khoảng 3% trong nửa cuối năm 2024, vẫn thấp hơn nhiều so với ngưỡng 4,5% của NHNN", HSBC dự báo.