|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Kì vọng Bamboo Airways có lãi từ quí I/2020, cổ phiếu BAV đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm'

19:16 | 03/12/2019
Chia sẻ
Phát biểu chiều 3/12, ông Đặng Tất Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways cho biết khi qui mô đội bay đạt 30 chiếc và hoạt động đi vào ổn định trong quí I/2020, hãng hàng không này sẽ có lãi.
Bamboo Thang cuoi self

Ông Đặng Tất Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Phó Chủ tịch Thường trực Bamboo Airways phát biểu tại sự kiện chiều 3/12/2019. Ảnh: Đức Quyền.

Mục tiêu Bamboo Airways có lãi từ quí I/2020

Chiều nay 3/12 tại Hà Nội, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí trước sự kiện đón tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner và roadshow tiềm năng & cơ hội đầu tư Bamboo Airways. Cả hai sự kiện nói trên đều dự kiến được tổ chức trong ngày 22/12 tới đây.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng tạo lợi nhuận của Bamboo Airways, ông Đặng Tất Thắng cho biết một hãng hàng không muốn đi vào hoạt động ổn định và phát triển thì đội tàu bay cần từ 25-30 chiếc.

Sau khi đạt được qui mô như vậy, hãng mới có thể ổn định được lịch khai thác cũng như mở rộng các đường bay thương mại. "Chúng tôi hi vọng với kế hoạch khai thác 30 tàu bay trong đầu năm sau, Bamboo Airways sẽ bắt đầu ghi nhận có lãi từ quí I/2020. Đó là mục tiêu mà chúng tôi đặt ra", ông Đặng Tất Thắng nói.

Nhận định của ông Thắng khá tương đồng với dự đoán vài tháng trước đây của một lãnh đạo Bamboo Airways khác.

Trong đại hội cổ đông thường niên Tập đoàn FLC ngày 26/6 năm nay, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch Bamboo Airways cho biết hãng bay này vẫn đang thua lỗ.

Nguyên nhân thua lỗ, theo ông Quyết, là Bamboo Airways khi đó đang duy trì bộ máy nhân sự, cơ sở hạ tầng đủ cho khai thác 30 tàu bay theo chiến lược phát triển của hãng, nhưng thực tế chỉ được vận hành 10 chiếc theo giấy phép của Bộ Giao thông Vận tải.

"Bamboo Airways đang phải duy trì đội ngũ phi công, tiếp viên, thợ máy, nhà xưởng hangar đủ cho 30-40 tàu bay. FLC hàng tháng phải bù lỗ để chờ đến khi nhận đủ tàu bay thì Bamboo Airways mới có thể có lợi nhuận".

Ông Trịnh Văn Quyết lạc quan: "Tôi tin là hết năm nay, sang quí I/2020 Bamboo Airways sẽ có lợi nhuận. Ngay lúc này, nếu không phải sử dụng nguồn lực để duy trì bộ máy sẵn sàng cho 30-40 máy bay thì Bamboo Airways cũng đã cân đối được chi phí".

Ngày 11/9 vừa qua, Bamboo Airways đã được Bộ Giao thông Vận tải cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, cho phép hãng nâng qui mô đội tàu bay từ 10 lên 30 chiếc đến năm 2023.

Theo thông tin từ ông Trương Phương Thành - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways, tính đến tháng 12/2019 hãng bay này đang khai thác 22 tàu bay.

Bamboo Thanh self

Ông Trương Phương Thành - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways phát biểu tại sự kiện chiều 3/12. Ảnh: Đức Quyền.

'Cam kết mua lại cổ phiếu để thể hiện sự tự tin của Bamboo Airways vào tiềm năng tăng trưởng'

Nói về cổ phiếu BAV do Bamboo Airways phát hành, ông Đặng Tất Thắng cho biết cổ phiếu này rất được nhà đầu tư quan tâm, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

"Tuy nhiên Bamboo Airways sẽ không bán cổ phiếu rộng rãi ra bên ngoài mà chỉ bán rất hạn chế, số lượng rất nhỏ cho chính cán bộ công nhân viên của Bamboo Airways. Đây là hành động thể hiện sự tri ân với người lao động và tạo sự gắn kết hơn nữa giữa người lao động và hãng", ông Thắng nói.

Vị Phó Chủ tịch của Bamboo Airways cho biết thêm: "Bamboo Airways sẽ lựa chọn kĩ càng nhà đầu tư và đối tác chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật, châu Âu".

Sáng nay 3/12, chúng tôi đưa tin trước tiên về việc Bamboo Airways chào bán ưu đãi cổ phiếu BAV cho cán bộ nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Thanh Xuân với giá 40.000 đồng/cp, kèm theo cam kết mua lại sau 6 tháng với giá tối thiểu gấp đôi giá mua, tương đương mức 82.280 đồng/cp mà một công ty thẩm định giá đưa ra.

Nói về việc này, ông Thắng cho biết Bamboo Airways chỉ đang lựa chọn một số đối tác chiến lược, đã đi cùng Tập đoàn FLC và Bamboo Airways từ những ngày đầu tiên. "Trong đó, BIDV Thanh Xuân đã tài trợ vốn cho FLC từ những dự án đầu tiên như FLC Sầm Sơn cho đến Bamboo Airways ngày hôm nay. Đây là một sự tri ân của FLC, của Bamboo Airways đối với đối tác của chúng tôi".

Về việc cam kết mua lại với giá gấp đôi giá bán ban đầu, ông Thắng cho rằng cam kết này là để thể hiện sự tự tin của Bamboo Airways: "Chúng tôi tự tin Bamboo Airways sẽ phát triển tốt, thành công. Cá nhân tôi và Chủ tịch Trịnh Văn Quyết tin rằng sau 6 tháng giá cổ phiếu Bamboo Airways sẽ không chỉ dừng lại ở đó mà còn cao hơn rất nhiều, đạt mức ba chữ số".

Nói thêm về kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược, ông Thắng khẳng định "Bamboo Airways chỉ tìm những nhà đầu tư từ Nhật Bản và Mỹ, những nhà đầu tư thực sự quan tâm, có tiềm lực, có kinh nghiệm về hàng không. Mức giá Bamboo Airways chuyển nhượng cổ phiếu cho đối tác ngoại không bao giờ dưới 150.000 đồng".

Tại một sự kiện do Tập đoàn FLC tổ chức mới đây, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng khẳng định chắc chắn giá bán cổ phiếu BAV cho nhà đầu tư nước ngoài "ít nhất phải 150.000 đồng/cp".

Khi được hỏi thêm về nguồn tiền để Bamboo Airways mua lại cổ phiếu BAV với giá gấp đôi sau 6 tháng, ôngThắng cho rằng câu hỏi này không hợp lí vì Bamboo Airways có uy tín, được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, sau 6 tháng cổ phiếu BAV tăng giá rất nhiều rồi, nhà đầu tư sẽ không muốn bán lại cho Bamboo Airways với giá 80.000 đồng/cp nên hãng không cần lo về nguồn tiền này.

"Đến hạn mua lại, có lẽ chỉ có khoảng 10% nhà đầu tư muốn bán lại, hoặc khi đó cổ phiếu BAV đã lên giá rồi, không thể có chuyện 100% nhà đầu tư muốn bán lại sau 6 tháng được", ông Thắng quả quyết.

Bamboo Airways đang có kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết cổ phiếu BAV lên sàn chứng khoán trong năm 2020. Mức giá khởi điểm khi lên sàn dự kiến là 60.000 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa hơn 1 tỉ USD.

Đức Quyền