|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khủng hoảng nhân khẩu học ở Trung Quốc: Liệu nâng tuổi nghỉ hưu có phải giải pháp thoả đáng?

15:22 | 27/01/2023
Chia sẻ
Nếu chính phủ Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học hiện tại, “quy mô lực lượng lao động” của nước này chưa chắc sẽ ghi nhận sự khác biệt lớn.

Cuộc khủng hoảng dân số của Trung Quốc đang ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh minh hoạ: Xinhua).

SCMP dẫn lời một nhà phân tích cảnh báo, việc Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ “không tạo ra khác biệt lớn đối với quy mô lực lượng lao động” của nước này.

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, sau khi dân số sụt giảm lần đầu tiên trong 6 thập kỷ vào năm ngoái.

Số liệu chính thức cho thấy, trong năm 2022, do số ca tử vong cao hơn nhiều số ca sinh, dân số Trung Quốc đã giảm mạnh 850.000 người, từ mức 1,4126 tỷ một năm trước xuống còn 1,4118 tỷ. Dữ liệu của chính phủ cũng chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng già hoá của Trung Quốc đang ngày càng nghiêm trọng.

Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc có 280,04 triệu người trên 60 tuổi, tăng từ khoảng 267,36 triệu người vào năm 2021. Tỷ lệ của nhóm này trong tổng quy mô dân số đã nhích từ mức 18,9% năm 2021 lên 19,8% năm 2022.

Số người từ 65 tuổi trở lên cũng tăng từ khoảng 200 triệu năm 2021 lên 209,78 triệu vào năm ngoái. So với tổng quy mô dân số, tỷ lệ của nhóm này đã tăng từ mức 14,16% lên 14,85%.

“Sự sụt giảm dân số của Trung Quốc đã khơi mào một cuộc thảo luận mới. Giới chuyên gia giờ đây đang nghĩ xem chính phủ có thể làm gì để chống lại các lực cản nhân khẩu học”, ông Mark Williams, kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics, cho hay.

“Một đề xuất phổ biến là nâng tuổi nghỉ hưu theo quy định. Hiện, tuổi nghỉ hưu tại Trung Quốc đang rất thấp”, ông chia sẻ với SCMP.

“Tuy nhiên, nâng tuổi nghỉ hưu sẽ không tạo điều kiện cho nhiều người lớn tuổi tiếp tục làm việc, vì hầu hết người lao động Trung Quốc ngày nay vẫn tiếp tục kiếm tiền khi họ đã qua tuổi hưu. Chỉ 25% nam giới rời bỏ lực lượng lao động sau khi nghỉ hưu”, vị chuyên gia giải thích.

 “Tuổi nghỉ hưu theo luật định của Trung Quốc đối với nam và nữ khá thấp, nhưng nâng ngưỡng này lên sẽ không tạo ra khác biệt lớn đối với quy mô lực lượng lao động”, ông nhấn mạnh.

 

Đến cuối năm 2022, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc - những người từ 16 đến 59 tuổi - đạt khoảng 875,56 triệu, chiếm 62% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm so với mức 62,5% một năm trước.

Hồi đầu năm ngoái, Trung Quốc đã xác nhận rằng họ sẽ trì hoãn tuổi nghỉ hưu - 60 đối với nam, 55 đối với nữ nhân viên văn phòng và 50 đối với nữ lao động chân tay - từ năm 2025.

Sau đó, trong bài phát biểu tại đại hội đảng lần thứ 20 vào cuối tháng 10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh lần nữa rằng Trung Quốc sẽ “dần dần lùi tuổi nghỉ hưu hợp pháp”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty Images).

Một cuộc khảo sát vào năm ngoái của nền tảng tuyển dụng 51job.com cho thấy hơn 2/3 người dân Trung Quốc ở độ tuổi nghỉ hưu muốn quay trở lại lực lượng lao động.

“Quả thực, mặc dù ngưỡng tuổi nghỉ hưu chính thức khá thấp, tỷ lệ người trên 65 tuổi đi làm công ăn lương ở Trung Quốc vẫn cao hơn so với các nền kinh tế mới nổi và phát triển khác”, ông Williams cho hay.

“Việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ cho phép nam giới tiếp tục đi làm kiếm tiền, điều này có thể hỗ trợ cho năng suất lao động chung, nhưng sẽ không tạo ra nhiều khác biệt về quy mô lực lượng lao động”, vị chuyên gia nhận định.

Vị kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics nói thêm, tuổi nghỉ hưu thấp dường như đã góp phần làm giảm tỷ lệ làm việc của phụ nữ ở độ tuổi 50 tại Trung Quốc.

Khoảng 1/3 lao động nữ rời bỏ thị trường việc làm khi bước sang độ tuổi từ cuối 40 đến cuối 50. Tỷ lệ này hiện gấp đôi con số ghi nhận ở các nước phát triển, ông Williams thông tin.

“Việc nâng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ ở độ tuổi 50 lên mức trung bình của các nước phát triển có thể giúp bổ sung thêm 13 triệu lao động cho Trung Quốc, nếu không có biến động gì xảy ra”, ông ước tính.

“Song, con số đó chỉ tương đương với 1,8% tổng số làm việc. Hơn nữa, Trung Quốc có tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 20 và 30 tham gia lực lượng lao động tương đối cao và một lý do nữa là nhiều phụ nữ lớn tuổi sẽ lui về chăm sóc con cháu”, vị kinh tế trưởng cho hay.

 

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 6,77 trẻ trên 1.000 người vào năm 2022, giảm từ mức 7,52 hồi năm 2021 và đánh dấu mức thấp nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1949.

Chi phí nuôi con quá cao, quan niệm về hôn nhân và gia đình thay đổi, cũng như tăng trưởng kinh tế chững lại là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm dân số của Trung Quốc.

Năm 2019, Viện Khoa học Trung Quốc cho biết quỹ hưu trí nhà nước tại các khu vực đô thị sẽ cạn tiền vào năm 2035, khi mà ngày càng ít người đóng góp vào hệ thống hưu trí công và ngày càng nhiều người cao tuổi cần được hỗ trợ.

Ông Williams chia sẻ: “Việc trì hoãn tuổi nghỉ hưu, khiến phụ nữ khó tiếp cận trợ cấp hưu trí không phải là một biện pháp đúng để nâng tỷ lệ làm việc nói chung. Điều đó sẽ khiến các bà mẹ khó lao động kiếm tiền hơn và có thể dẫn đến sự sụt giảm hơn nữa trong tỷ lệ sinh”.

“Tăng tuổi hưởng lương hưu sẽ làm giảm gánh nặng tài chính đối với chính phủ, vì lương hưu chỉ bắt đầu được chi trả ở độ tuổi bắt buộc, ngay cả khi ai đó vẫn đang đi làm”, ông Williams cho hay.

“Tuy nhiên, việc tăng tuổi hưởng lương hưu sẽ không tạo ra khác biệt đáng kể đến tác động của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đến quy mô lớn lực lượng lao động”, vị chuyên gia bày tỏ.

Khả Nhân

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.