|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không thành khẩn, Vũ nhôm bị đề nghị 14-15 năm tù, nguyên Phó Tổng cục trưởng BCA Phan Hữu Tuấn 6-7 năm tù

11:52 | 29/01/2019
Chia sẻ
Vũ 'nhôm' bị đề nghị 14-15 năm tù vì không thành khẩn. Còn 2 bị cáo bị cáo Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn đều không thừa nhận phạm tội theo tội danh đã truy tố mà cho rằng, hành vi của mình chỉ là “thiếu trách nhiệm” do không kiểm tra, kiểm soát dẫn đến sai phạm...

Sáng nay (29-1), phiên toà xử Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm trong vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục với phần luận tội của đại diện VKS.

Đại diện VKSND TP. Hà Nội đã đề nghị tuyên bố các bị cáo Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Hữu Bách (SN 1963, cựu cán bộ Bộ Công an) và Phan Hữu Tuấn (SN 1955, nguyên là Phó Tổng cục trưởng Bộ Công an đã nghỉ hưu) phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hai bị cáo Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

khong thanh khan vu nhom bi de nghi 14 15 nam tu nguyen pho tong cuc truong bca phan huu tuan 6 7 nam tu
Bị cáo Vũ nhôm và các đồng phạm tại phiên tòa sáng nay (29/1). Ảnh: Dân Việt.

Đại diện VKS cũng đề nghị tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ 14-15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng với tội danh này, bị cáo Nguyễn Hữu Bách bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù; bị cáo Phan Hữu Tuấn bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù. Ba bị cáo này bị đề nghị cấm đảm nhận các chức vụ trong lực lượng công an từ 4-5 năm sau khi chấp hành xong bản án.

Bị cáo Trần Việt Tân bị đại diện VKS đề nghị mức án từ 36-42 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Bùi Văn Thành bị đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù cũng về tội danh trên. VKS đề nghị HĐXX tuyên cấm hai bị cáo đảm nhiệm các chức vụ trong lực lượng công an từ 3-4 năm sau khi chấp hành xong bản án.

Trong phần trình bày luận tội sáng nay, theo đại diện VKSND, bị cáo Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn đã thừa nhận hành vi tham mưu, soạn thảo, ký nháy các văn bản, nhưng cho rằng chỉ nhằm mục đích thúc đẩy các dự án để Vũ “nhôm” thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, không biết Vũ “nhôm” chuyển nhượng, sang tên tại các dự án để hưởng lợi.

Cả 2 bị cáo đều không thừa nhận phạm tội theo tội danh đã truy tố mà cho rằng, hành vi của mình chỉ là “thiếu trách nhiệm” do không kiểm tra, kiểm soát dẫn đến sai phạm. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu thu thập được (lời khai nhân chứng, lời khai của các bị cáo, người liên quan khác, kết luận giám định các tài liệu khác có trong hồ sơ), VKSND đủ căn cứ kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong vụ án này, Phan Văn Anh Vũ giữ vai trò chính, là người khởi xướng, chủ mưu và thực hiện hành vi phạm tội tích cực nhất. Bị cáo đã lợi dụng vị trí công tác và công ty bình phong của mình, chủ động yêu cầu, chi phối hành vi của các đồng phạm khác, đồng thời là người hưởng lợi toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Hành vi của bị cáo đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền đặc biệt gần 1.160 tỷ đồng. Bị cáo Vũ phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình do đó cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.

“Vũ “nhôm” phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, quá trình điều tra và tại phiên tòa đã không thành khẩn hành vi phạm tội của mình, do đó cần phải xử lý thật nghiêm khắc”, VKSND cho hay.

Đối với bị cáo Nguyễn Hữu Bách, VKSND cho rằng, Bách là người trực tiếp quản lý, hoạt động nghiệp vụ đối với Vũ “nhôm”, mặc dù biết rõ mục đích của Vũ “nhôm” không nhằm cho nghiệp vụ nhưng Bách vẫn soạn thảo, tham mưu trình lãnh đạo Tổng cục V, lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành, hậu thuẫn cho Vũ “nhôm” thực hiện các hành vi phạm tội đối với 6 dự án nhà đất công sản, gây thiệt hại cho nhà nước trên 1.134 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Nguyễn Hữu Bách đã giữ vai trò giúp sức tích cực, thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn cho Nhà nước. Quá trình điều tra và tại tòa, Bách chưa thực sự thành khẩn nhận ra sai phạm và còn đổ lỗi cho người khác, do đó VKSND đề nghị xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, bị cáo Bách cũng nhận một phần trách nhiệm, có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, bản thân chưa có tiền án, chưa chứng minh bị cáo hưởng lợi nên cần xem xét giảm nhẹ.

Đối với bị cáo Phan Hữu Tuấn, là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ đối với Vũ “nhôm”, Nguyễn Hữu Bách. Tuấn đã trực tiếp ký hoặc ký nháy để tham mưu trình lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản nhằm hậu thuẫn, tạo điều kiện cho Vũ “nhôm” thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 1.134 tỷ đồng. Bị cáo Tuấn cũng giữ vai trò đồng phạm tích cực, phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Tại tòa, Tuấn chưa thực sự thành khẩn nhận ra sai phạm của mình, do đó cần xử lý nghiêm khắc. Nhưng, theo VKSND, tại tòa, bị cáo cũng đã nhận một phần trách nhiệm để khắc phục thiệt hại, quá trình công tác Tuấn cũng có nhiều thành tích xuất sắc, gia đình có anh trai là liệt sĩ, quá trình điều tra không chứng minh được Tuấn đã hưởng lợi, nên cần xem xét giảm nhẹ.

VKSND cũng kiến nghị thu hồi các tài sản tại Đà Nẵng và TP HCM. Trong đó, tài sản tại Đà Nẵng bao gồm: Nhà đất công sản tại số 319 Lê Duẩn, Đà Nẵng; Nhà đất số 16 Bạch Đằng, Đà Nẵng; Khu đất phường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, Đà Nẵng; Khu đất đường ven biển, phường Ngọc Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Tài sản tại TP HCM bao gồm: Nhà đất số 8 Nguyễn Trung Trực, quận 1, TPHCM; Đối với nhà đất tại số 129 Pastuer giao Bộ Công an phối hợp với UBND TPHCM báo cáo Thủ tướng đề xuất biện pháp thu hồi, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước; Nhà đất tại số 15 Thi Sách, quận 1, TPHCM giao cho UBND TPHCM thu hồi để đảm bảo không thất thoát tài sản.

Đồng thời, tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản đối với các dự án nêu trên để đảm bảo thi hành án.

Xem thêm

Khánh Hà (Tổng hợp)

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.