|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vũ 'nhôm' lợi dụng công ty bình phong thâu tóm đất công

17:08 | 28/01/2019
Chia sẻ
Trả lời thẩm vấn tại tòa sáng nay 28-1, 2 cựu thứ trưởng cùng các bị cáo đều thừa nhận các dự án "đất vàng" sau khi bị Vũ "nhôm" thâu tóm đều không được sử dụng đúng mục đích hoạt động nghiệp vụ mà bị "làm xiếc" để chuyển nhượng.
vu nhom loi dung cong ty binh phong thau tom dat cong

Bị cáo Vũ "nhôm" trả lời xét hỏi - Ảnh: THÂN HOÀNG chụp qua màn hình

Sau khi đại diện Viện kiểm sát (VKS) công bố bản cáo trạng dài 25 trang, HĐXX phiên tòa xét xử hai cựu thứ trưởng Bộ Công an bắt đầu phần xét hỏi.

Trả lời thẩm vấn đầu tiên, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") đứng trước bục khai báo, hay tay ôm chéo bụng, trả lời khá rành mạch các câu hỏi. Tuy nhiên Vũ thường xuyên không trả lời thẳng vào câu hỏi mà xin diễn giải, trình bày, chủ tọa phải liên tục ngắt lời nhắc nhở bị cáo trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.

Bị cáo Vũ cho biết là chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, công ty này được thành lập từ năm 2000 đến nay đã 18 năm. Ngoài ra Vũ còn kinh doanh nhà hàng, cà phê, xây dựng cho thuê căn hộ và một số loại hình dịch vụ khác.

Theo lời Vũ "nhôm", bị cáo được tuyển dụng làm tình báo viên của Tổng cục V từ năm 2009 và xuất ngũ năm 2017. "Bị cáo được tuyển dụng vào làm tình báo viên, Tổng cục Tình báo giao cho bị cáo một nhiệm vụ duy nhất là làm kinh tế, lấy công ty của bị cáo làm công ty bình phong", bị cáo Vũ khai.

Mặc dù là công ty bình phong nhưng hai công ty của Vũ là Xây dựng Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79 đều hoạt động độc lập, không phụ thuộc kinh tế. Tổng cục V không góp vốn nhưng toàn bộ hoạt động của công ty đều phải báo cáo về tổng cục.

Không dự án nào phục vụ hoạt động nghiệp vụ

Liên quan dự án 319 Lê Duẩn, Đà Nẵng, Vũ "nhôm" khai khi tìm hiểu hai thị trường Đà Nẵng và TP.HCM để phát triển kinh tế thấy UBND TP Đã Nẵng có chủ trương quy hoạch, cải tạo chỉnh trang đô thị nhưng khu đất này không nằm trong quy hoạch. Vũ "nhôm" đã liên hệ, đàm phán tìm cách để được nhận quyền sử dụng đất "phục vụ công tác nghiệp vụ".

Lý giải về nội dung "phục vụ công tác nghiệp vụ" được ghi trong công văn, bị cáo Vũ nói: "Nghiệp vụ ở đây là để phát triển kinh tế. Mọi hoạt động đều báo cáo về tổng cục".

vu nhom loi dung cong ty binh phong thau tom dat cong

Cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành trả lời xét hỏi - Ảnh: TTXVN

"Mục đích xin nhà để hoạt động nghiệp vụ, sau đó bị cáo lại chuyển nhà thành tên mình" - chủ tọa đặt vấn đề. Vũ "nhôm" lý giải khi đó, Công ty Bắc Nam 79 đang khó khăn, trong khi dự án phải nộp tiền gấp, công ty có thỏa thuận và bị cáo cho công ty vay tiền để đảm bảo quyền lợi của 2 bên. "Nếu công ty đi vay phải có tài sản thế chấp nhưng công ty không có. Bị cáo cho mượn tiền là điều may mắn".

Chủ tọa ngắt lời, yêu cầu bị cáo trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, tuy nhiên Vũ "nhôm" tiếp tục nói do đang thiếu kinh phí chưa trả tiền nên khu đất này chưa thành tài sản của công ty, chưa phát triển được. "Bị cáo thấy việc đó nên đem ra cho thuê", Vũ nói.

Theo cáo trạng, sau khi Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 được nhận quyền sử dụng đất 319 Lê Duẩn, Vũ "nhôm" đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất từ công ty sang cho cá nhân mình. Vũ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 2 khu đất "vàng" này.

Sau khi "phù phép" đất công thành đất tư, Vũ cho các đơn vị khác thuê lại kinh doanh dịch vụ và hưởng lợi. Vũ "nhôm" còn khai ngoài những dự án được nêu trong cáo trạng, bị cáo còn xin nhiều dự án khác. Mọi dự án đều dùng vào mục đích phát triển kinh tế.

Đối với dự án 15 Thi Sách, TP.HCM, Vũ khai sau khi được thuê giá rẻ đã kết hợp với Novaland để xây dựng công trình căn hộ 18 tầng. "Đây là tập đoàn có tiềm lực nên bị cáo dựa vào để xây dựng", bị cáo nói.

Tại TP.HCM, nhà đất số 129 Pasteur gồm 1.500m2 nhà và 2.200m2 đất do Tổng cục IV Bộ Công an quản lý cũng bị Vũ "nhôm" thâu tóm.

"Bị cáo nghĩ rằng tổ chức bình phong ít ra được hơn tổ chức bình thường. Bị cáo mua để phát triển tiềm lực kinh tế. Trong đầu bị cáo nghĩ phát triển xây dựng căn hộ, nhưng thành phố không cho phép làm", bị cáo Vũ khai.

"Sau khi mua đã bán cho đơn vị nào?" - chủ tọa truy. "Nói vậy thì hơi oan, tất cả đều có lý do. Đây là bài toán kinh doanh, sau khi không đạt được mục tiêu như dự định ban đầu nên mới bán lại", Vũ nhôm khai.

Hai cựu thứ trưởng khai không biết Vũ "nhôm" bán dự án

Trả lời xét hỏi sáng nay, cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành thừa nhận đã ký hai văn bản, một là tờ trình đề nghị Thủ tướng cho bán chỉ định cơ sở nhà, đất tại số 129 Pasteur cho công ty bình phong của đơn vị này để hoạt động nghiệp vụ.

Ông Thành ký tiếp công văn đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM trình UBND TP phê duyệt bán khu đất này với giá 301 tỉ đồng không đúng chức năng và thẩm quyền. Việc ký 2 văn bản này theo ông Thành "mục đích là xét thấy phù hợp phát triển kinh tế để phục vụ công tác nghiệp vụ".

"Sau khi được chuyển nhượng khu đất Vũ bán lại ngay, bị cáo đã giám sát gì?", chủ tọa hỏi. "Trên cương vị thứ trưởng, bị cáo chỉ đạo cả bộ máy, bị cáo không biết, không có thông tin nào báo cáo việc dự án bị Vũ bán", cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành khai.

Ông Thành tiếp tục lý giải: "với cương vị thứ trưởng rất nhiều công việc nên quả thực không thể biết đằng sau như thế nào". Ông Thành cũng thừa nhận đối với dự án 129 Pasteur, hai yêu cầu thực hiện nhiệm vụ hoạt động nghiệp vụ đều không thực hiện được.

Cựu thứ trưởng Trần Việt Tân thì nói không ký văn bản nào đề nghị cho Vũ xin được thuê được mua nhà đất mà có 6 văn bản theo cáo trạng thì đây đều là "thúc đẩy thục tục hành chính liên quan đến 3 dự án". Hai văn bản liên quan đến 16 Bạch Đằng đều có nội dung đề nghị xem xét giá đất cho công ty bình phong sớm hoàn thành thủ tục pháp lý.

Về việc các dự án bị sử dụng sai mục đích, ông Tân thừa nhận: "Tôi có trách nhiệm vì là người đứng đầu phụ trách lĩnh vực này mà không nắm được vấn đề".

Xem thêm

Thân Hoàng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.