Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục đích quan trọng nhất của việc hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém là nhằm ổn định, không để đổ vỡ hệ thống tổ chức tín dụng. Ảnh chỉ có tính minh họa: TL.
Theo luật mới được thông qua với tỷ lệ tán thành là 88,8% (tương ứng 436/444 đại biểu biểu quyết tán thành), ngân sách nhà nước cũng không cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế.
Trước khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày bản báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo của luật.
Theo ông Thanh, có ý kiến cho rằng quy định của dự thảo luật thực chất vẫn gián tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Như vậy, không bảo đảm nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Có ý kiến đề nghị trường hợp cần thiết vẫn phải sử dụng ngân sách nhà nước nhưng phải quy định minh bạch, bảo đảm quản lý chặt chẽ, bảo toàn ngân sách nhà nước.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật đã được rà soát để bảo đảm đúng chủ trương theo nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng, về thực chất một số chính sách trong trường hợp cần thiết, cấp bách, để bảo đảm an toàn hệ thống có thể có những tác động gián tiếp làm ảnh hưởng, giảm thu ngân sách nhà nước (ví dụ như số nộp ngân sách nhà nước về chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước sau khi trích lập các quỹ). Song, không sử dụng chính sách miễn, giảm thuế và không sử dụng nguồn chi ngân sách nhà nước để xử lý.
Ông Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ trường hợp sau một khoảng thời gian 5-7 năm, các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có sự chuyển biến và mạnh lên thì nên tính toán trả lại chi phí vốn đã hỗ trợ cho các đơn vị này. Song, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục đích quan trọng nhất của việc hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém là nhằm ổn định, không để đổ vỡ hệ thống tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, không nên đặt ra yêu cầu tính toán trả lại chi phí vốn đã hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Về việc áp dụng biện pháp can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ông Thanh cho hay có ý kiến đề nghị bổ sung việc xem xét gia hạn thời gian thực hiện phương án khắc phục trong trường hợp đặc biệt, phức tạp, nhưng không quá 6 tháng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp cụ thể (theo quy định tại Điều 130a) thì Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện phương án khắc phục trong thời hạn 1 năm. Trong quá trình khắc phục đã có quy định về điều chỉnh phương án. Trường hợp hết thời hạn thực hiện phương án mà vẫn không khắc phục được thì Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng áp dụng một hoặc một số biện pháp theo quy định của luật. Như vậy, dự thảo luật đã quy định rõ thời gian tổ chức tín dụng tự khắc phục và biện pháp xử lý khi không tự khắc phục được. Do vậy, không nên gia hạn, kéo dài thêm thời gian tự khắc phục, có thể làm trầm trọng hơn thực trạng của tổ chức tín dụng đó.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng mặc dù được kiểm soát đặc biệt nhưng hoạt động của tổ chức tín dụng cơ bản vẫn phải bảo đảm bình thường, do vậy sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền. Mặt khác, tại điểm b khoản 2 Điều 146c của dự thảo luật đã quy định “hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban kiểm soát, tổng giám đốc có trách nhiệm quản trị, kiểm soát, điều hành hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm việc thực hiện chi trả tiền gửi bình thường cho người gửi tiền”.
Ông Thanh còn cho biết một số ý kiến đề nghị bổ sung tiêu chí, nguyên tắc, cơ chế lựa chọn, chỉ định tổ chức tín dụng, nhà đầu tư nhận chuyển giao bắt buộc (về năng lực quản lý, điều hành, năng lực tài chính...) để bảo đảm vừa phục hồi được bên chuyển giao, đồng thời không ảnh hưởng xấu đến hoạt động của bên nhận chuyển giao. Và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến này, quy định rõ hơn tại (tại Điều 151đ) dự thảo luật về điều kiện của bên nhận chuyển giao, theo đó, bên nhận chuyển giao phải có hoạt động kinh doanh có lãi trong ít nhất 2 năm liền kề trước thời điểm đề nghị; có phương án chuyển giao bắt buộc khả thi, trong đó bao gồm nội dung chứng minh bên nhận chuyển giao có đủ nguồn vốn để thực hiện góp vốn...
Với ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của bên nhận chuyển giao về các khoản nợ đối với bên thứ ba và các bên liên quan tại thời điểm nhận chuyển giao và sau khi thực hiện các phương án chuyển giao bắt buộc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trách nhiệm đối với các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, theo đó các trách nhiệm, nghĩa vụ vẫn thuộc về pháp nhân là ngân hàng thương mại, còn bên nhận chuyển giao chỉ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp của mình tại ngân hàng thương mại.
Một số ý kiến đề nghị quy định rõ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước được cho vay đặc biệt với lãi suất đặc biệt để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng bị phá sản chi trả cho người gửi tiền sau khi bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện chi trả nhưng không đủ. Cho phép hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn lực Nhà nước khác để chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân, chi trả trong trường hợp các khoản cho vay đặc biệt không thu hồi được đầy đủ do khi thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng không đủ để thu hồi; đề nghị tỷ lệ chi trả cho người gửi tiền tương ứng theo số tiền gửi...
Trước các ý kiến trên, ông Thanh cho biết: "Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 146 của dự thảo luật giao Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Việc chi trả tiền gửi vượt hạn mức, mức chi trả, nguồn chi trả đối với người gửi tiền là cá nhân trong trường hợp phá sản tổ chức tín dụng sẽ tùy thuộc vào tình hình nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể, nên không quy định trong luật".
5 phương án cho các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt Theo Luật vừa được Quốc hội thông qua, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc; phương án phá sản. Về phương án phá sản, luật quy định: Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi tổ chức này lâm vào tình trạng phá sản. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình Ngân hàng Nhà nước xem xét. |