|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Không phải cứ có tranh chấp là dự án giảm giá'

07:09 | 25/04/2017
Chia sẻ
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà (VBMA) cho rằng, không phải cứ có tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân là dự án giảm giá mà giá trị căn hộ còn phụ thuộc vào vị trí, chất lượng xây dựng nhà ở.

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tranh chấp căng thẳng đã diễn ra tại nhiều dự án chung cư. Nóng nhất phải kể đến những mâu thuẫn tại chung cư Home City (Cầu Giấy – Hà Nội), vấn đề tranh chấp kéo dài hai tháng nay nhưng các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Những bức xúc từ việc nhập nhằng địa chỉ một đằng, lối đi một lẻo đang khiến cho cư dân rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.

Căng thẳng càng leo thang khi mới đây, hàng trăm cư dân mua căn hộ tại dự án tại đã tập trung diễu hành phản đối chủ đầu tư bịt lối đi cổng chính tại địa chỉ 177 Trung Kính, phản ánh những bức xúc kéo dài thời gian qua.

khong phai cu co tranh chap la du an giam gia
Ngày 5/3, rất nhiều cư dân Home City tiếp tục đấu tranh bằng hình thức căng băng rôn tại cổng dự án nhằm phản ánh những bức xúc kéo dài.

Hay như mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân tại dự án Hồ Gươm Plaza (phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) đã phát sinh từ vài năm nay. Tại Hà Nội, chưa có dự án nào mà căng thẳng giữa chủ đầu tư và cư dân lại quyết liệt và kéo dài đến như vậy. Sau một thời gian không thể thỏa thuận về phí dịch vụ, phí bảo trì, từ năm 2015, tranh chấp căng thẳng tại dự án này đã nổ ra.

Việc hàng loạt khách hàng đồng loạt lên tiếng phản đối, đấu tranh đòi quyền lợi từ chủ đầu tư các dự án BĐS phần nào đã cho thấy những bất cập của thị trường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn, nếu như làm căng thì các điểm xấu của chung cư sẽ bị đưa lên mặt báo, điều này đồng nghĩa với giá trị BĐS cũng sẽ bị giảm theo. Vậy có cách nào để cư dân đấu tranh giành quyền lợi mà không bị ảnh hưởng đến giá trị căn hộ trên thị trường?

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà (VBMA), rõ ràng có sự ảnh hưởng của những vấn đề chung cư đến giá trị căn hộ sau khi bàn giao. Người mua nhà cũng ngần ngại mua những dự án đang có tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này là ít, không phải cứ có tranh chấp là dự án giảm giá. Giá trị căn hộ còn phụ thuộc vào vị trí, chất lượng xây dựng nhà ở.

"Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết ở các tòa chung cư, cư dân vẫn rất quyết liệt trong việc đấu tranh đòi quyền lợi, cũng không vì sợ dự án giảm giá mà giảm đi phần đấu tranh đòi quyền lợi", ông Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh.

Chủ tịch VBMA cho rằng, các vụ tranh chấp ngày càng gay gắt trên thị trường cũng là điều dễ hiểu bởi hiện nay thời kỳ quá độ khi hàng trăm tòa chung cư đi vào bàn giao ồ ạt, trong khi đó luật của chúng ta còn nhiều thiếu sót, chưa thực sự chi tiết và bám sát các vấn đề tồn tại. Chính vì vậy gây ra tình trạng tranh cãi của cư dân và chủ đầu tư.

"Hiện nay, các vụ tranh chấp cư dân xảy ra, hầu hết cư dân chỉ để ý đến quyền lợi của mình mà chưa xem xét hết trách nhiệm của mình. Chủ đầu tư cũng cần xem xét trách nhiệm của mình đối với cư dân và cần thực hiện cam kết của mình. Các vụ tranh chấp gay gắt thường bởi chủ đầu tư và cư dân không thể thương lượng được và không thể tìm được tiếng nói chung. Trong những trường hợp này, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng", ông Hiệp đưa ra lời khuyên.

Có một thực tế, các dự án khi đi vào vận hành, đều bị người mua “tố” làm sai so với thiết kế xây dựng, dịch vụ bị cắt xén… Vụ việc sau đó được dàn xếp “êm đẹp”, thời gian khiến thị trường quên lãng. Chủ đầu tư làm dự án mới và người mua lại “tố” chủ đầu tư sai phạm. Vòng tròn xây dựng – bán nhà – vận hành – tố cáo giữa khách hàng và chủ đầu tư cứ thế lặp lại. Rõ ràng có điều gì đó không bình thường quanh vòng luẩn quẩn này.

Theo luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng phòng Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), tình tiết các vụ tranh chấp khác nhau, nhưng điểm chung là cả người bán lẫn người mua đều không minh bạch từ đầu. Chủ đầu tư muốn bán hàng thường bỏ qua những thông tin bất lợi của dự án, người mua muốn mua sớm để có giá ưu đãi, khuyến mãi nhiều… nên không đọc kỹ hợp đồng, thậm chí đóng tiền trước khi ký hợp đồng. Khi ra tòa, căn cứ trên hợp đồng mua – bán, phần thiệt thường nghiêng về phía người mua.

“Bài học là trước khi quyết định mua căn hộ, người mua hãy tìm hiểu kỹ “lịch sử” của chủ đầu tư, cũng như đọc kỹ hợp đồng mua – bán. Nếu chưa đọc hợp đồng thì kiên quyết không đóng tiền cho chủ đầu tư, đừng mua nhà vì những lời quảng cáo hào nhoáng”, luật sư Ứng chia sẻ.

Quý Dương