|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Không nên giao di tích lầu Bảo Đại cho nhà đầu tư có tư duy m2'

17:10 | 12/07/2019
Chia sẻ
"Họ thích tư duy m2 thì chọn nơi nào không có giá trị lịch sử, văn hóa. Với vị trí di tích lầu Bảo Đại nên giao cho nhà đầu tư khác, xứng tầm", TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

Việc khu di tích lầu Bảo Đại bị Công ty CP đầu tư Khánh Hà (thuộc Tập đoàn Hà Đô) "cạo trọc" để xây dựng biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar... đang tạo nên nhiều phản ứng gay gắt.

Từ khi khởi công năm 2014 đến nay, cơ quan chức năng nhiều lần phát hiện sai phạm và buộc dự án ngừng thi công. Tuy nhiên, chủ đầu tư phớt lờ lệnh đình chỉ và đã cho đào bới di tích, đổ hàng chục trụ móng, móng vách để xây biệt thự, khách sạn sai phép ở khu A và D.

Trao đổi với Zing.vn, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần phải thu hồi lại khu đất này để nghiên cứu, giao cho nhà đầu tư khác.

Nhà đầu tư phải xứng tầm

KTS Nam Sơn cho rằng mỗi dự án sẽ phù hợp với mỗi loại nhà đầu tư khác nhau. Có nhà đầu tư hướng đến tư duy xây nhiều nhà để hiệu quả hóa đầu tư, bán nhiều biệt thự. Bên cạnh đó cũng có nhà đầu tư sẽ nhắm đến chất lượng dự án.

Nếu xét về địa ốc, tâm lý các nhà đầu tư luôn muốn tối ưu hóa khu đất, xây nhiều biệt thự. Tuy nhiên, với khu di tích lầu Bảo Đại thì nhà đầu tư đang chọn sai dự án.

Theo KTS Nam Sơn, qua hiện trạng có thể thấy Công ty CP đầu tư Khánh Hà - chủ đầu tư dự án này đang có tư duy mét vuông và chính tư duy này không hề phù hợp với khu đất ở đây.

"UBND tỉnh Khánh Hòa nên xem xét giao cho nhà đầu tư miếng đất khác, rộng tương đương, cũng có vị trí đẹp nhưng sẽ không ảnh hưởng gì đến di sản hay cảnh quan thiên nhiên", chuyên gia kiến trúc nói.

'Không nên giao di tích lầu Bảo Đại cho nhà đầu tư có tư duy m2' - Ảnh 1.

UBND tỉnh Khánh Hòa giao hơn 13,6 ha đất, gồm toàn bộ khu di tích lầu Bảo Đại và mặt nước danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang cho Công ty CP đầu tư Khánh Hà thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Ảnh: An Bình.

Vị KTS lấy làm tiếc cho vị thế của khu lầu Bảo Đại bởi đây là vị trí "vàng", không chỉ là công trình lịch sử mà còn có giá trị cảnh quan, kiến trúc. Vị trí này có tầm nhìn bao quát toàn khu rất đẹp.

Do đó, ông Sơn kiến nghị việc làm cấp bách trước mắt là phải lấy lại mảnh đất này. Tiếp đó, cần phải xác định chủ trương phát triển dự án trước khi tìm nhà đầu tư khác.

"Nhà đầu tư phải biết chủ trương phát triển xứng tầm với khu đất này mới được giao chứ không phải có nhiều tiền hay đấu thầu cao nhất sẽ được giao", KTS Nam Sơn nêu quan điểm.

Ông cho rằng tỉnh Khánh Hòa cần đưa ra tiêu chí phát triển, nhà đầu tư cam kết theo tiêu chuẩn đó thì mới giao đất cho họ.

"Đáng tiếc trước đây có lẽ chính quyền chưa có kênh thông tin phù hợp. Những dự án thế này nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rất muốn làm. Bởi có 3 lợi thế mà không phải chỗ nào cũng có. Đó là liên quan đến giá trị lịch sử gắn với vị vua Bảo Đại; giá trị cảnh quan kiến trúc và giá trị cảnh quan thiên nhiên", vị KTS nói.

Chuyên gia Nam Sơn cho rằng tiêu chí để phát triển dự án này là phải lấy chủ đề nói lên tính lịch sử của công trình, nâng tầm để có thể thành bảo tàng hoặc công trình du lịch nhưng phải mang giá trị lịch sử.

Vừa bảo tồn, vừa mở rộng

"Đất ở đây rất đẹp, bên cạnh bảo tồn thì chúng ta vẫn có thể xây thêm ở mật độ vừa phải, ưu tiên giá trị cảnh quan thiên nhiên. Những quần thể thế này có thể phát triển thành công trình sang trọng hàng đầu Châu Á", KTS Nam Sơn nói và đề xuất có thể vừa bảo tồn di tích, vừa mở rộng thêm.

"Tuy nhiên mở rộng không nên theo tư duy mét vuông mà nên theo tư duy làm sao tôn vinh quần thể trên đỉnh đồi, kết hợp giá trị cảnh quan nhìn xuống biển, chân đồi. Điều này cần chính quyền phối hợp", KTS Ngô Viết Nam Sơn đề nghị.

Chuyên gia kiến trúc cho rằng cần phải quy hoạch tổng thể chi tiết kéo dài xuống biển. Những công trình khu dân cư lân cận cũng cần được hướng dẫn phát triển tương hợp với kiến trúc của khu này để thành điểm nhấn du lịch trong tương lai. Làm được như vậy thì quần thể này sẽ nâng cao giá trị văn hóa và mang lại giá trị kinh tế.

"Không chỉ cứu lầu Bảo Đại mà phải phát triển khu vực này thành một khu trung tâm lịch sử hấp dẫn. Điều này vừa mang giá trị bảo tồn, giá trị kinh tế cho thành phố và còn giúp người dân xung quanh giàu có lên", vị KTS nhận định.

'Khong nen giao di tich lau Bao Dai cho nha dau tu co tu duy m2' hinh anh 2
'Khong nen giao di tich lau Bao Dai cho nha dau tu co tu duy m2' hinh anh 2
'Khong nen giao di tich lau Bao Dai cho nha dau tu co tu duy m2' hinh anh 3
'Khong nen giao di tich lau Bao Dai cho nha dau tu co tu duy m2' hinh anh 3

Hiện trạng núi Cảnh Long bị đào bới tan hoang và phối cảnh khu biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng 5 sao ở lầu Bảo Đại. Ảnh: An Bình.

KTS Nam Sơn cho rằng những quần thể như khu di tích lầu Bảo Đại ở nước ngoài cũng không dễ gì có được. Nếu chỉ lấy một mảnh đất trống để xây dựng lên, nó sẽ không có hồn, không có chiều sâu văn hóa lịch sử, không có nhân vật lịch sử.

Với quần thể di tích này, vừa bảo tồn, vừa mở rộng thì du khách tới đây vừa hưởng giá trị văn hóa và vừa thưởng ngoạn cảnh quan.

Ông Sơn dẫn chứng thành phố Quebec của Canada cũng có các công trình nằm trên núi mang giá trị lịch sử, có triền dốc giống địa thế của khu di tích lầu Bảo Đại, được chính quyền cho xây dựng thành công trình kết hợp vừa mang tính lịch sử vừa hiện đại.

"Chủ đầu tư hiện tại không đáp ứng được việc bảo tồn di tích thì phải giao cho nhà đầu tư khác. Họ thích tư duy mét vuông thì hãy chọn nơi nào không có giá trị lịch sử, văn hóa rồi xây dựng. Với vị trí dự án thế này phải trân trọng cây xanh, không được chặt cây xanh nào chứ đừng nói là cạo trọc núi như hiện tại", vị KTS tiếc nuối.

Ông Sơn nhấn mạnh cần phải có quy hoạch xứng tầm, mời nhà đầu tư có tầm nhìn bao quát. Không cần phải lấy hết đất toàn khu nhưng công trình chủ đạo thì phải làm cho xứng tầm.

Cảnh hoang tàn, lạnh lẽo ở di tích lầu Bảo Đại. Cả ngọn núi Cảnh Long bị "cạo" nham nhở, từ một nơi quanh năm cây xanh tốt nay di tích lầu Bảo Đại hoang tàn, cây cối xơ xác, 5 ngôi biệt thự cổ xuống cấp nghiêm trọng.

Khu biệt thự được người Pháp xây dựng năm 1923, để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học. Từ năm 1940 đến 1945, hoàng đế Bảo Ðại và hoàng hậu Nam Phương thường đến đây nghỉ dưỡng nên cái tên lầu Bảo Đại có từ thời đó.

Tháng 10/1995, UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự lầu Bảo Đại là "di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh".

Tháng 8/2018, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh lầu Bảo Đại lần đầu được UBND tỉnh Khánh Hòa đưa vào danh mục kiểm kê di tích và yêu cầu lập hồ sơ để bảo tồn.

Hoài Thanh