Không làm giảm chiều rộng mặt sông Sài Gòn khi chỉnh trang bến Bạch Đằng
Theo chỉ đạo nói trên, UBND TP cho phép mở rộng ranh nghiên cứu trùng khớp với ranh cầu cảng hiện hữu, cùng với cầu đi bộ kết nối với quảng trường Thủ Thiêm, tạo thành một tổ hợp kiến trúc cảnh quan tầm cỡ cho thành phố.
UBND TP cũng giao Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn nghiên cứu các hoạt động giải trí dọc bờ sông, kết hợp với thương mại một cách hài hòa nhất.
Bên cạnh đó, yêu cầu nghiên cứu phần ngầm trước tòa nhà Vietcombank và khách sạn Renaissance (Công trường Mê Linh), kết nối một cách đồng bộ với hệ thống taxi thủy, tuyến metro số 1 và xe buýt nhánh số 1.
Ảnh minh họa: Ndh |
Liên quan đến dự án chỉnh trang bến Bạch Đằng, trước đó, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát cũng đề xuất được tự bỏ kinh phí nghiên lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đầu tư dự án Công viên Cảng Du lịch Bạch Đằng với diện tích quy hoạch 17,08 ha.
Trong đó diện tích trên mặt đất 7,02ha, diện tích mặt nước 10,06ha, với các chức năng chính gồm công viên, trung tâm thương mại ngầm, bãi đậu xe ngầm, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông kết nối ngoại vi, bến tàu, bến du lịch...
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng xin được đầu tư kinh doanh phần trung tâm thương mại ngầm, bãi đậu xe ngầm, được phép khai thác 1 số Kios kinh doanh ẩm thực trong khu công viên.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, các doanh nghiệp vận tải đường sông, phục vụ du lịch bến thủy nội địa tại khu vực công viên cảng Bạch Đằng (quận 1) đã ngừng hoạt động, di dời về các địa điểm phù hợp với quy hoạch của thành phố.
Thành phố cũng đã tiến hành chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng cho đồng bộ với dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Huệ.