Không còn người xếp hàng mua siêu phẩm, Thế Giới Di Động và FPT Shop phải làm gì?
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, trong lần họp Đại hội cổ đông thường niên của công ty gần đây cho biết đã qua rồi thời mọi người xếp hàng háo hức mua một chiếc điện thoại “siêu phẩm”.
“Bản thân tôi đang xài một chiếc điện thoại cũ, chiếc điện thoại vẫn tốt và thấy không có lý do gì để đổi nó”, ông Tài nói.
Ví dụ ông Tài đưa ra nhằm dẫn chứng cho một phát biểu trước đó của ông, cho biết thị trường di động tại Việt Nam năm 2019 được GfK dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 1% - thấp nhất từ trước đến nay.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, người đồng cấp với ông Tài ở chuỗi FPT Shop, cũng có nhận định tương tự về thị trường di động, và đang vạch ra những chiến lược mới để giữ doanh thu tăng trưởng.
Cả hai chuỗi đứng số 1 và số 2 ở chuỗi bán lẻ hàng công nghệ này đều tập trung tăng doanh thu bằng cách chuyển hướng sang các mặt hàng khác ngoài điện thoại di động, tăng cường bán hàng online, thậm chí chuyển hẳn sang bán hàng ở lĩnh vực khác.
Phụ kiện: Gà đẻ lợi nhuận
Phụ kiện là ngành hàng mang lại lợi nhuận rất cao cho nhà bán lẻ - Ảnh: Hải Đăng
“Khách hàng sẽ được mua phụ kiện với giá rẻ hơn nhưng FPT Shop lại lời hơn khoảng 10% so với trước đây”, bà Điệp phân tích.Tại Đại hội cổ đông FPT Retail (công ty sở hữu chuỗi FPT Shop) mới đây, bà Điệp cho biết FPT Shop sắp tới sẽ nhắm vào ngành hàng phụ kiện để gia tăng lợi nhuận. Công ty sẽ nhập khẩu phụ kiện trực tiếp từ nhà sản xuất, không qua các khâu trung gian, để có được lợi nhuận cao nhất nhưng giá thành lại giảm so với trước.
Mảng phụ kiện từ lâu cũng là con gà đẻ lợi nhuận cho Thế Giới Di Động. Trong khi lợi nhuận từ điện thoại chỉ vài phần trăm, lợi nhuận từ phụ kiện gấp nhiều lần con số đó.
“Gần như tất cả phụ kiện tại Thế Giới Di Động đều mang thương hiệu riêng của Thế Giới Di Động, không có hàng của hãng nào khác”, ông Tài nói.
Nhìn vào gian hàng phụ kiện đa dạng và vô vàn chủng loại tại Thế Giới Di Động sẽ thấy được mảng này đóng góp lợi nhuận tốt như thế nào với chuỗi này.
Thu hút khách đến cửa hàng bằng mọi cách
“Vài năm trước chỉ lo bán máy nhưng năm nay sẽ tập trung traffic, thu hút khách hàng đến với cửa hàng nhiều hơn”, bà Điệp nói về chiến lược sắp tới của FPT Shop.
Trình bày trước cổ đông hồi tuần trước, bà Điệp cho biết năm nay sẽ đẩy mạnh các mảng bán thẻ cào, SIM số; đóng tiền điện, nước; đóng tiền trả góp,... Mặc dù mảng này không mang lại doanh thu cao nhưng sẽ thu hút khách đến với cửa hàng.
Khu vực thu ngân của siêu thị được tận dụng bán thẻ cào, thu tiền trả góp,... - Ảnh: Hải Đăng |
“Nếu chỉ đến cửa hàng mua điện thoại thì một vài năm một khách hàng mới quay trở lại, nhưng để đóng tiền điện nước thì họ sẽ đến hàng tháng”, người phụ nữ hiếm hoi trong ngành kinh doanh bán lẻ hàng công nghệ nói.
Khi khách hàng ra vào cửa hàng, ý định mua sắm có thể sẽ phát sinh từ những người này, tức họ là những khách hàng tiềm năng.
Triết lý này cũng được ông chủ Thế Giới Di Động áp dụng từ trước, bằng các chương trình bán thẻ cào, SIM số và thu tiền trả góp, tiền điện nước.
Để hút khách, chuỗi này trước đây thậm chí còn thử nghiệm bán... (vé số) Vietlott. Hiện anh cả này vẫn duy trì hình thức gửi tiền liên tỉnh vốn ít người biết đến, nhằm tạo điểm đến cho khách qua lại các cửa hàng.