|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Không có gói kích thích kinh tế nào chống được nỗi khiếp sợ

12:06 | 24/02/2020
Chia sẻ
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hiện đã có một số nước đã điều chỉnh giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ (CSTT) để hỗ trợ tăng trưởng. Tại Việt Nam, hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều về việc có nên nới lỏng CSTT để ứng phó với dịch bệnh hay không.
Không có gói kích thích kinh tế nào chống được nỗi khiếp sợ - Ảnh 1.

Các gói kích thích kinh tế được chính phủ các nước tung ra có mục đích nhằm kích cầu, khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn. Nhưng nếu gắn dịch Covid-19 làm sụt giảm tổng cầu để rồi kêu gọi một gói nới lỏng tiền tệ thì cần phải xem lại.

Mọi thứ gắn với virus corona tóm lược chỉ trong một chữ SỢ

Trong các cuộc đại suy thoái trên thế giới và gần nhất là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, người dân sợ rủi ro nên không dám chi tiêu. Tổng cầu vì vậy sụt giảm dẫn đến suy thoái kinh tế. Các gói kích thích kinh tế được chính phủ các nước tung ra có mục đích nhằm kích cầu, khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn.

Thậm chí ở một số quốc gia, chính phủ còn tặng tiền để người dân chi tiêu. Nhưng nếu gắn dịch Covid-19 cũng giống như những cú sốc làm sụt giảm tổng cầu như đã từng xảy ra để rồi kêu gọi một gói nới lỏng tiền tệ thì cần phải xem lại.

Tác động kinh tế từ dịch Covid-19 cũng tóm gọn trong một từ SỢ, nhưng không phải sợ rủi ro (kinh tế) mà là sợ bệnh. Thời gian cứ như ngừng trôi, mọi hoạt động giao thương hầu như dừng lại. Không cần được trang bị kiến thức kinh tế cao siêu, ai cũng dễ thấy rằng sẽ không có gói kích thích kinh tế tài khóa, tiền tệ nào để điều trị chứng sợ hãi và làm cho thời gian ngừng trôi.

Dịch Covid-19 là một cú sốc hiếm hoi, đồng thời tác động cùng lúc đến sụt giảm cả trong tổng cung lẫn tổng cầu, nhưng lại không thể nào dùng các chính sách tài khóa, tiền tệ để phản chu kỳ. Cứ mỗi thời khắc trôi qua, người dân còn thấy bất kỳ công dân nào trên thế giới vẫn còn bị lây nhiễm thì chứng sợ hãi vẫn chưa thể suy giảm.

Dù vậy, như mọi dịch bệnh, phần lớn người dân đều đang hy vọng cuối cùng dịch Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi và kết thúc. Cho dù nỗi sợ hãi có lớn đến đâu, virus corona sẽ không bao giờ là nguyên nhân thuộc về cấu trúc nội tại để dẫn đến suy thoái kinh tế ở các nước.

Có chăng, đó chỉ là biến cố thêm vào các căn bệnh cố hữu nội tại, khiến cho một vài nước lo sợ con virus corona thúc đẩy nhanh hơn quá trình suy thoái, nên họ phải tung ra các gói kích thích kinh tế. Nếu chưa rõ các động cơ bên trong của từng nước, hãy đừng viện lý do Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Philippines tung gói kích thích kinh tế nên Việt Nam cũng phải bắt chước làm theo.

Thậm chí ngay cả kịch bản xấu nhất là dịch Covid-19 lây lan toàn cầu, một số tổ chức quốc tế cũng đưa ra dự báo GDP toàn cầu cũng chỉ sụt giảm một lần trong năm 2020. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và dễ làm Mỹ bị tổn thương nhất, trong một tuyên bố mới đây trước Quốc hội, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khẳng định con virus corona (cho dù là rủi ro lớn nhất) cũng không đủ mạnh để làm thay đổi triển vọng kinh tế Mỹ.

Việt Nam cũng không nằm ngoài các logic này. Một gói kích thích kinh tế hiện tại có thể là một liều thuốc nguy hiểm. Nỗi sợ hãi chẳng những không suy giảm mà còn phải gánh thêm nhiều nỗi lo sợ khác như sợ lạm phát tăng tốc, sợ nợ công tăng cao. Tất cả sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô.

Thậm chí cho dù không sử dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ vì quá rủi ro, các biện pháp tài khóa như giảm thuế, tăng chi tiêu công, có khả năng mang lại hậu quả không tương xứng. Độ trễ của các gói chi tiêu công, tích hợp lại có khả năng trở thành nguồn năng lượng đủ lớn làm cho nền kinh tế nóng lên và lạm phát tăng tốc.

Một gói tài khóa có ý nghĩa nhất trong lúc này là giải quyết dứt điểm các nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công; hoặc có thể dành một ngân sách tài khóa nhất định cải thiện cơ sở hạ tầng theo hướng đa dạng hóa vùng miền để chống biến đổi khí hậu. Bàn về con virus corona nhưng hãy đừng quên còn một con virus biến đổi khí hậu, nhất là ở các tỉnh miền Tây, sẽ còn tác động đến triển vọng kinh tế Việt Nam lâu dài và nghiêm trọng hơn nhiều so với virus corona.

Gói ổn định, thay vì kích thích kinh tế

 

Một gói kích thích kinh tế hiện tại có thể là một liều thuốc nguy hiểm. Nỗi sợ hãi chẳng những không suy giảm mà còn phải gánh thêm nhiều nỗi lo sợ khác như sợ lạm phát tăng tốc, sợ nợ công tăng cao. Tất cả sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trừ phi là một rủi ro hệ thống như khủng hoảng tài chính, chính phủ mới buộc phải tung ra các gói kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ nới lỏng. Đối với rủi ro đặc thù (loại rủi ro có thể đa dạng hóa được), chưa có bất kỳ một giáo khoa kinh tế học nào kêu gọi nhà nước phải giải cứu cho các doanh nghiệp gặp phải rủi ro dạng này.

Như lĩnh vực kinh doanh du lịch chẳng hạn, nếu nhà kinh doanh không chấp nhận đa dạng hóa lượng khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau mà chỉ tập trung vào khách hàng Trung Quốc, tức là họ đã chấp nhận rủi ro “khẩu vị khách Hoa”. Đáng lý họ phải có các kế hoạch dự phòng lợi nhuận bù đắp cho rủi ro lớn có khả năng xảy ra. Cớ sao lại nhờ cậy đến tiền thuế của dân để giải cứu?

Giải pháp khả dĩ hiện nay là tạo ra các gói ổn định, thay vì kích thích kinh tế. Điều có thể nghĩ ngay, trước hết, toàn bộ mọi người trong xã hội đều phải có trách nhiệm chung với đại dịch. Đó là tự giải cứu lẫn nhau, thay vì trông chờ nhà nước.

Việc người dân tự nguyện giải cứu thanh long, dưa hấu, tôm hùm, hay phụ huynh vẫn tự nguyện đóng học phí trường học mặc dù trường tạm thời đóng cửa… là một hình ảnh quá đẹp, quá nhân văn. Chính phủ chỉ có thể tham gia quá trình giải cứu trong một chừng mực nào đó, chẳng hạn, có thể khấu trừ phần nào chi phí tính thuế thu nhập cá nhân cho vị phụ huynh tốt bụng kia. Đó là chính sách ổn định kinh tế nhân văn của nhà nước.

Ngoài ra cũng cần phải có một chiến lược truyền thông và tấm gương hỗ trợ cộng đồng trong giai đoạn hoạn nạn. Thiết nghĩ, sẽ không thiếu hàng loạt đại gia tên tuổi sẵn sàng có những hành động thiết thực để cùng chung tay, góp sức với nhau và với nhà nước trong thời khắc khó khăn.

Trong khi đó, vẫn còn nhiều khía cạnh kỹ thuật hoàn toàn có thể tạo ra các gói ổn định kinh tế mà ít sử dụng đến ngân sách nhất. Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nào dám chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19.

Giả dụ, nếu kịch bản xấu nhất xảy đến đối với phần lớn ngân hàng do nợ xấu tăng cao và thanh khoản khan hiếm, Ngân hàng Nhà nước có thể bơm mạnh thanh khoản vào toàn hệ thống bằng cách mua trái phiếu chính phủ từ các ngân hàng thương mại, với cam kết sau đó các ngân hàng thương mại sẽ mua lại trong một thời hạn nhất định nào đó (mục đích là để trung hòa lượng tiền nhằm tránh lạm phát).

Cùng lúc đó, ở nhiều bộ ngành khác, có thể thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như chậm nộp bảo hiểm xã hội, thuế, miễn giảm các loại phí đối với các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có liên quan.

Cứ hình dung, một đội bóng đá có vài cầu thủ bị sốt mà huấn luyện viên cho cả đội uống thuốc hạ sốt sẽ thấy sự vô lý của các đề xuất giải cứu trên diện rộng. Thay vào đó, cần phải có những chính sách để kích thích những ai khỏe mạnh phải nỗ lực gấp nhiều lần để bù cho các cầu thủ có sức khỏe yếu. Không may, thường thì các giải pháp dễ nhất sẽ được ưu tiên lựa chọn mà bất chấp hậu quả sau đó.

Gói kích thích bằng thể chế, không phải bằng tiền

Sự sụt giảm tăng trưởng gây ra từ các doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19 hoàn toàn có thể được bù đắp phần nào bởi các doanh nghiệp khỏe mạnh còn lại. Chẳng hạn, một sự sụt giảm sức cầu trong lĩnh vực du lịch có thể được bù đắp bằng nhu cầu mới bằng sự tăng trưởng trong lĩnh vực y tế.

Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngành y tế, ngành dệt may tăng khả năng sản xuất trang thiết bị y tế, thuốc men, khẩu trang để vừa phục vụ thị trường trong nước vừa xuất khẩu sang các quốc gia trong tâm đại dịch?

Hay nhân cơ hội này, Chính phủ tiến hành một kế hoạch toàn diện thu hút đầu tư nước ngoài, để đón đầu dòng vốn FDI từ quốc gia có đại dịch chạy về Việt Nam. Tạo ra một nguồn lực mới để bù đắp lại những thiệt hại sẽ là một giải pháp mang tính căn cơ và bền vững, hơn là bám lấy mục tiêu tăng trưởng trước mắt bằng các gói kích thích kinh tế ngắn hạn.

Thật ra, còn một con virus khác mang tên virus “sợ trách nhiệm” mới là con virus mà không biết bao giờ chúng ta mới dám tuyên bố hết dịch. Xử lý hữu hiệu con virus sợ trách nhiệm, không cần đến các gói tài khóa, tiền tệ, mục tiêu tăng trưởng chẳng những năm nay mà nhiều năm sau sẽ cất cánh.

GS.TS Trần Ngọc Thơ