|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Không có đơn hàng, Garmex Sài Gòn muốn bán hai mảnh đất rộng hơn 7,6 ha

16:24 | 27/02/2024
Chia sẻ
Do tình trạng thua lỗ nhiều quý liên tiếp vì không có đơn hàng, Garmex Sài Gòn đang phải sống trong cảnh "thắt lưng buộc bụng", tiết kiệm chi phí, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có hoặc thanh lý tài sản không cần dùng,...

CTCP Garmex Sài Gòn (Mã: GMC) vừa công bố thông tin về việc lấy ý kiến bằng văn bản liên quan đến kế hoạch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản đi cùng. Thời gian lấy ý kiến từ 25/3 đến 15/4. Ngày đăng ký cuối cùng là 15/3.

Garmex Sài Gòn dự kiến chuyển nhượng thửa đất hơn 5 ha tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thuộc quyền sử dụng, sở hữu của công ty. Đồng thời, doanh nghiệp dệt may này muốn chuyển nhượng thửa đất 2,6 ha tại cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Hà Nam thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty TNHH Garmex Quảng Nam - thành viên của Garmex Sài Gòn.

Ý định này của Garmex Sài Gòn diễn ra trong bối cảnh năm 2023 là một năm khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng. 

Năm 2023, Garmex Sài Gòn ghi nhận gần 8,3 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, giảm 97% so với năm 2022 và lỗ sau thuế xấp xỉ 52 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 85 tỷ đồng). Trong đó quý cuối năm lỗ 8 tỷ đồng, và là quý thứ 6 liên tiếp thua lỗ. Cuối năm 2023, Garmex Sài Gòn còn có 35 nhân viên. 

Nguyên nhân chính khiến tình hình kinh doanh của Garmex Sài Gòn giảm sút là do hụt thu từ đối tác CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - Mã: GIL). Năm 2022, Gilimex đệ đơn khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC, khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô. Đơn vị hợp tác như Garmex Sài Gòn cũng bị ảnh hưởng liên đới.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý.

Garmex Sài Gòn giải trình, công ty hiện không có đơn hàng, tình hình kinh doanh không thuận lợi. Nếu giữ sản xuất tại các nhà máy đối với ngành may thì công ty sẽ lỗ rất nhiều. Vì vậy doanh nghiệp này đã tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi phí tối đa. 

Bên cạnh đó là tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có hoặc thanh lý tài sản không cần dùng, đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro cho công ty. 

Minh Hằng

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.