|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khốn đốn vì COVID-19, hãng thời trang hơn 200 tuổi xin phá sản

09:07 | 09/07/2020
Chia sẻ
Ra đời năm 1818, Brooks Brothers là một hãng thời trang lâu đời và nổi tiếng nhất ở Mỹ, từng phục vụ nhiều đời Tổng thống. Nhưng giờ đây họ phải nộp đơn phá sản vì COVID-19.

Thương hiệu quần áo 202 năm tuổi của Mỹ là Brooks Brothers vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo diện Chương 11, theo Reuters. Brooks Brothers không phải là cái tên "cô đơn" vì hàng chục hãng bán lẻ khác của Mỹ cũng phá sản trong mùa COVID-19.

Brooks Brothers tiết lộ công ty vẫn đang trong quá trình đánh giá, xem xét lại chiến lược và việc phá sản sẽ giúp hãng có thêm nguồn tài chính bổ sung để thúc đẩy bán hàng.

"Trong khoảng thời gian đánh giá lại chiến lược, COVID-19 đã tạo tác động cực xấu và gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi", phát ngôn viên của Brooks Brothers chia sẻ.

Brooks Brothers hiện thuộc sở hữu của Claudio Del Vecchio (quốc tịch Italy). Trong quá khứ Brooks Brothers từng sản xuất quần áo cho 40 cựu tổng thống Mỹ - bao gồm Barrack Obama và John F. Kennedy.

Hãng thời trang hơn 200 năm tuổi nộp đơn xin phá sản - Ảnh 1.

Hãng thời trang Brooks Brothers ra đời năm 1818. Ảnh: Reuters

Hiện tại, đa số trong số 500 điểm bán lẻ toàn cầu của Brooks Brothers đều phải đóng cửa ngừng hoạt động do đại dịch.

Hãng thời trang đối mặt thêm nhiều thách thức khi các công ty Mỹ nới lỏng qui định về trang phục cho nhân viên, cho phép người lao động ăn mặc đơn giản hơn thay vì những bộ vest may riêng cầu kì.

"Đại dịch đang đẩy nhanh những thách thức mà ngành công nghiệp chúng tôi đang phải đối mặt trong một thời gian dài trước đó", đại diện Brooks Brothers tiếp tục thổ lộ.

Trước Brooks Brothers, những cái tên khác như chuỗi cửa hàng bách hóa xa xỉ Neiman Marcus Group, nhà bán lẻ quần áo J. Crew Group và J.C. Penney đã nộp đơn xin phá sản sau nỗ lực cải tổ thất bại. 

Trong hồ sơ phá sản Brooks Brothers  nộp lên tòa án quận Delwar, tập đoàn tiết lộ tài sản và nợ phải trả của họ đạt từ 500 triệu USD đến 1 tỉ USD.

Tiểu Phượng