Khối tự doanh gom nghìn tỷ đồng tuần VN-Index mất ngưỡng 1.000 điểm, tâm điểm gom cổ phiếu vua
Đóng cửa tuần (31/10 – 4/11), VN-Index ở 997,15 điểm, giảm 2,94% so với cuối tuần trước. Tương tự, VN30-Index mất 3,07% xuống còn 997,92 điểm. Tiêu cực hơn, HNX-Index giảm 4,29%, còn 204,56 điểm. Lũy kế từ đầu năm chỉ số của sàn HNX giảm đến 56,84%.
Diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam đi ngược xu hướng của một số quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản (tăng 0,35%), Hàn Quốc (3,53%), Thái Lan (1,26%). Chứng khoán Indonesia giảm 0,15% tuần này, song vẫn giữ mức tăng 7,05% kể từ đầu năm.
Theo khối phân tích của Chứng khoán Mirae Assets Việt Nam, thị trường đón nhận thông tin quan trọng khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,75% vào ngày 3/11. Thông tin trên đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò trụ đỡ thị trường trong khi cổ phiếu nhóm bất động sản giảm sâu. Nguyên nhân một phần đến từ việc khối tự doanh đẩy mạnh mua ròng nhóm ngân hàng đóng lực cầu lớn cho nhóm.
Thống kê cho thấy lực mua ròng của khối tự doanh trên sàn HOSE tăng mạnh so với tuần trước đó (24 – 28/10), đạt 1.015,2 tỷ đồng. Trong khi đó, khối này tiếp đà bán ròng 0,4 tỷ đồng trên sàn HOSE và 71 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.
Chứng chỉ quỹ ETF nội, chứng quyền có tuần bán ròng thứ 6 liên tiếp với tổng giá trị gần 508 tỷ đồng trong tuần (31/10 – 4/11). Quan sát cho thấy một số quỹ ETF nội huy động được lượng tiền lớn giai đoạn vừa qua. Nổi bật tuần vừa rồi là SSIAM VNFinlead ETF (FUESSVFL). Việc các ETF nội huy động được tiền dẫn đến khối tự doanh mua vào cổ phiếu ngân hàng để đóng gói chứng chỉ quỹ ETF nội.
Bên cạnh đó chứng chỉ quỹ DCVFM VN Diamond ETF (FUEVFVND) cũng huy động thêm được dòng vốn mới.
Giá trị bán ròng của khối tự doanh tại hai chứng chỉ quỹ ETF nội FUESSVFL và FUEVFVND là 284,8 tỷ đồng và 217,2 tỷ đồng. Theo sau đó là E1VFVN30 bị bán ròng 64,3 tỷ đồng. Chiều ngược lại FUEMAV30 được mua ròng 80,2 tỷ đồng.
Với giao dịch cổ phiếu, VPB và TCB được mua ròng 248,5 tỷ đồng và 142,9 tỷ đồng. Những mã ngân hàng khác được mua ròng với quy mô từ 40 đến 100 tỷ đồng là EIB, MBB, CTG, TPB, MSB, OCB.
Chiều bán ra, BCM dẫn đầu với giá trị 34,4 tỷ đồng. Cổ phiếu ngân hàng bị bán ròng là NAB với 30,8 tỷ đồng, theo sau là VCR (25 tỷ đồng). Những mã khác bị bán ròng dưới 30 tỷ đồng có DGC, NVL, DDV và NHH.