Khối tự doanh gom 1.200 tỉ đồng trong tháng 8, mạnh tay rót vốn cho cổ phiếu CTG
Sau nhịp điều chỉnh cuối tháng 7, thị trường chứng khoán trong nước liên tục đi lên, cùng pha với đà tăng của chứng khoán Mỹ. Ngoài ra, tâm lí nhà đầu tư cải thiện nhờ những thông tin tích cực về vắc xin COVID-19.
Trong bối cảnh đó, NĐT nước ngoài liên tục rút vốn khỏi thị trường Việt Nam. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 3.636 tỉ đồng trong tháng 8 vừa qua.
Diễn biến trái chiều, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán rót 1.177 tỉ đồng vào thị trường với khối lượng mua ròng tương ứng 34,4 triệu đơn vị. Trong đó, phiên mua ròng mạnh nhất của khối này vào ngày 28/8 lên tới 784 tỉ đồng, ngược lại, phiên bán ròng mạnh nhất vào ngày 20/8 với giá trị xả 479 tỉ đồng.
Top10 mã dẫn đầu về giá trị mua/bán trong tháng 8
Thống kê giao dịch cụ thể trong tháng 8, khối tự doanh CTCK tập trung rót vốn vào cổ phiếu CTG với giá trị 735 tỉ đồng.
Đáng chú ý, ghi nhận trong phiên giao dịch 28/8 mới đây, cổ phiếu CTG của VietinBank xuất hiện giao dịch thỏa thuận khủng với 649,75 tỉ đồng. Theo đó, gần 26 triệu cổ phiếu CTG được trao tay với mức giá 25.000 đồng/cp. Phía mua vào cổ phiếu CTG trong thương vụ này là nhà đầu tư trong nước.
Theo sau đó, khối này còn mua vào 316 tỉ đồng cổ phiếu HPG trước thời điểm 552 triệu cổ phiếu HPG được niêm yết bổ sung trên HOSE từ ngày 31/8, nâng tổng số lượng cổ phiếu giao dịch của Hoà Phát trên thị trường lên 3,3 tỉ đơn vị.
Hai mã MWG và FPT lần lượt được khối tự doanh mua vào 239,7 tỉ đồng và 238,7 tỉ đồng trong một tháng vừa qua. Mặt khác, dòng vốn tự doanh tìm đến cổ phiếu VNM (233 tỉ đồng), VPB (205 tỉ đồng) và TCB (201 tỉ đồng).
Các mã còn lại trong Top10 mua vào gồm hai mã thuộc "họ Vingroup" là VIC và VHM ghi nhận giá trị 168 tỉ đồng và 153 tỉ đồng. Ngoài ra, khối tự doanh mua cổ phiếu VCB (140 tỉ đồng).
Ở chiều bán ra, khối tự doanh chủ yếu tạo áp lực lên các cổ phiếu. Trong đó, HPG và VPB lần lượt dẫn trước với giá trị bán ra 229 tỉ đồng và 222 tỉ đồng. Theo sau đó, dòng vốn tự doanh rút khỏi các mã MWG (178 tỉ đồng), VNM (173,4 tỉ đồng) và FPT (173,3 tỉ đồng).
Liên quan đến hai mã VNM và MWG, thông tin được quĩ đầu tư có qui mô tỉ đô – Arisaig công bố hồi đầu tháng 8 cho thấy quĩ này đã thực hiện đợt cơ cấu danh mục lớn đối với cổ phiếu Việt Nam.
Theo chia sẻ, quĩ Arisaig đã bán toàn bộ cổ phiếu VNM của Vinamilk và loại ra khỏi danh mục. Arisaig cho rằng Vinamilk đã dẫn đầu tăng trưởng trong ngành sữa tại Việt Nam suốt nhiều thập kỉ nhờ Chính phủ tăng lượng tiêu thụ sữa trong trường học.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, xuống dưới mức trung bình. Quĩ ngoại này cho rằng điểm bão hòa đang gần hơn so với dự tính ban đầu.
Cổ phiếu VNM là một khoản đầu tư dài hạn, từng được xem như "gà đẻ trứng vàng" của Arisaig. Quĩ ngoại này đã mua cổ phần Vinamilk trong cuộc đấu giá trực tiếp năm 2002 và bán ra vào năm 2007. Sau đó, quĩ ngoại này đã mua lại cổ phiếu VNM trong năm 2009. Khoản đầu tư này đem lại mức sinh lợi bình quân 20%/năm (tính theo USD) trong 11 năm.
Ngược lại, quĩ ngoại này đã "gom" khoảng 11 triệu cổ phiếu MWG trong các đợt giao dịch từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, cổ phiếu STB ghi nhận giá trị bán ra 149 tỉ đồng, kế đến là hai mã nhóm bất động sản gồm HDG (135,8 tỉ đồng) và VHM (123 tỉ đồng). Ngoài ra, khối tự doanh thoái vốn khỏi cổ phiếu TCB (115 tỉ đồng).
Tại giao dịch chứng chỉ quĩ, duy nhất mã FUEVFVND lọt top bán ra trong tháng 8 với giá trị gần 219 tỉ đồng. Phần lớn giao dịch chứng chỉ quĩ VFMVN Diamond ETF tăng mạnh sau thông tin một quĩ đầu tư mới mở China Trust Vietnam Opportunity Fund (Đài Loan) đã huy động được gần 4.000 tỉ đồng trong 5 ngày gọi vốn.
Danh mục đầu tư của China Trust Vietnam Opportunity Fund tại thị trường Việt Nam tập trung vào chứng chỉ quĩ hoán đổi danh mục (ETF) - Vietnam Diamond ETF.