Khối tự doanh CTCK gom hơn 1.100 tỷ đồng tháng 8, những cổ phiếu nào là tâm điểm?
Tổng quan thị trường tháng 8, chứng khoán Việt Nam giao dịch tích cực theo đà của thị trường chứng khoán thế giới. Đóng cửa tháng, VN-Index ở 1.280,51 điểm, tăng 6,15% so với cuối tháng 7. Nhóm VN30 đóng vai trò dẫn dắt với mức tăng 5,64% tháng qua.
Kém sắc hơn, HNX-Index và UPCoM-Index chỉ tăng 1,15% và 3,16% trong tháng.
Đà đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam đồng pha với một số quốc gia khác trong khu vực và có phần tích cực hơn như Nhật Bản (1,04%), Hàn Quốc (0,84%), Indonesia (3,27%) và Thái Lan (3,97%). Lũy kế 8 tháng đầu năm, chứng khoán Indonesia ngược dòng trên toàn cầu tăng hơn 9% kể từ đầu năm trong khi VN-Index vẫn mất điểm khoảng 14,5%.
Khối tự doanh CTCK mua ròng hơn 1.100 tỷ đồng tháng 8
Trước diễn biến khởi sắc của thị trường, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đóng vai trò hỗ trợ dòng tiền khi mua ròng trên cả ba sàn với tổng giá trị 1.124,6 tỷ đồng trong tháng 8. Giá trị mua ròng trong tháng 7 đạt gần 715 tỷ đồng sau khi bán ra 334,4 tỷ đồng trong tháng 6.
Trên sàn HOSE, khối tự doanh CTCK mua ròng khoảng 349 tỷ đồng cổ phiếu, đánh dấu tháng thứ ba gom liên tiếp. Qua kênh khớp lệnh, quy mô mua và bán trong tháng 8 là 7.106 tỷ đồng và 5.995 tỷ đồng, tương ứng giá trị mua ròng hơn 1.110 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết trên HOSE. Trong khi đó giao dịch thỏa thuận cổ phiếu trên HOSE đạt 362,8 tỷ đồng chiều mua và 1.126 tỷ đồng chiều bán, tương ứng quy mô rút ròng hơn 763 tỷ đồng.
Với sản phẩm chứng chỉ quỹ ETF nội, chứng quyền, bộ phận tự doanh mua ròng gần 720 tỷ đồng qua cả hai kênh là khớp lệnh (456,2 tỷ đồng) và thỏa thuận (263,5 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, bộ phận tự doanh đảo chiều mua ròng hơn 30 tỷ đồng sau khi bán ròng 67,2 tỷ đồng trong tháng 6 và 24,1 tỷ đồng trong tháng 7.
Còn trên thị trường UPCoM, mặc dù tiếp diễn xu hướng mua ròng song quy mô có sự thu hẹp còn 26,1 tỷ đồng trong khi tháng 7 (45,8 tỷ đồng) và tháng 8 (159,2 tỷ đồng).
Mã nào được khối tự doanh mua bán nhiều nhất?
Thống kê giao dịch chi tiết, nhóm chứng khoán và ngân hàng được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất trong tháng trong khi xu hướng rút ròng chủ yếu xuất hiện ở các mã hết room trong rổ VN Diamond.
Cổ phiếu VPB của VPBank dẫn đầu về quy mô mua ròng trên thị trường trong tháng 8 với tổng giá trị 477,7 tỷ đồng. Ngoài VPB, một mã ngân hàng khác lọt Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua ròng nhiều nhất trong tháng 8 là MBB với 68,2 tỷ đồng.
Theo sau VPB, mã HPG của Hòa Phát được khối tự doanh mua ròng 197,2 tỷ đồng.
Ba cổ phiếu chứng khoán cũng là tâm điểm của dòng tiền tự doanh là VND, SSI, VCI với giá trị mua ròng lần lượt là 167,6 tỷ đồng, 102,7 tỷ đồng và 101,6 tỷ đồng.
Hoạt động mua gom của khối tự doanh còn xuất hiện ở hai mã bất động sản là DXG (94,5 tỷ đồng) và NLG (78,25 tỷ đồng).
Với sản phẩm chứng chỉ quỹ ETF nội, mã FUEVFVND của DCVFM VN Diamond dẫn đầu giá trị mua ròng toàn thị trường với 759 tỷ đồng, theo sau là E1VFVN30 (206,8 tỷ đồng). Ngược lại, FUESSVFL và FUEKIV30 bị bán ròng lần lượt 161,5 tỷ đồng và 88,8 tỷ đồng.
Việc FUEVFVND và E1VFVN30 bị rút chứng chỉ quỹ trong tháng khiến bộ phận tự doanh phải mua lại lượng chứng chỉ quỹ trên và bán ra cổ phiếu trong rổ tạo lập để đối ứng. Đó là lý do vì sao cổ phiếu trong rổ VN Diamond bị xả mạnh trong tháng 8.
Mã MWG của Thế giới Di động bị bán ra mạnh nhất, đạt 294,7 tỷ đồng theo sau là FPT (217,2 tỷ đồng) và TCB (217 tỷ đồng). Ngoài TCB, cổ phiếu ngân hàng khác lọt Top10 mã bị bán ròng mạnh là ACB (118,4 tỷ đồng).
Ngoài ra, dòng tiền từ khối tự doanh còn rút ra khỏi các cổ phiếu vốn hóa lớn như PNJ (116,8 tỷ đồng), REE (85 tỷ đồng), VHM (53 tỷ đồng) và PVT (51,5 tỷ đồng).
Với động thái tích cực mua vào từ khối tự doanh, nhà đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến khởi sắc sau giai đoạn điều chỉnh mạnh. Góc nhìn từ các quỹ đầu tư, triển vọng vĩ mô và sức khỏe của doanh nghiệp là những yếu tố then chốt.