Khơi thông cửa ngõ TP.HCM
Khởi công ngay khi hết “lệnh” cách ly
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận đề xuất của Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông (Ban QLDA) về việc tổ chức giao thông đường Nguyễn Văn Linh để phục vụ thi công dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7). Đây là dự án cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng thường xuyên xảy ra tại khu vực cửa ngõ phía nam TP.
Giới hạn thời gian hoạt động của phà Cát Lái
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản thông báo từ hôm nay (7.4) đến hết 15.4, xe tải có tổng trọng tải từ 8 tấn trở lên, xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe du lịch, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ) không được lưu thông qua phà, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do cộng vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vậy liệu xây dựng. Phà Cát Lái sẽ chỉ phục vụ người và các phương tiện không bị cấm lưu thông trong thời gian từ 5 - 9 giờ và từ 16 - 20 giờ hằng ngày. Thời gian còn lại chỉ phục vụ các phương tiện vận chuyển lượng thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, xe công vụ, xe cấp cứu, xe phục vụ công tác chống dịch.
Theo thiết kế, dự án sẽ xây đảo tròn trung tâm (đường kính 60 m) và 2 hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh. Trước đó, UBND TP.HCM đã lập dự án này với tổng mức đầu tư 3.834 tỉ đồng để giải quyết kẹt xe và giao cho Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) làm chủ đầu tư. Tháng 2.2017, Sở GTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hầm chui nút giao nói trên với tổng vốn đầu tư 830 tỉ đồng (nguồn vốn thực hiện bằng ngân sách TP), thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2018.
Đầu năm 2018, Sở GTVT điều chỉnh thời gian thực hiện dự án là năm 2018 - 2019. Tuy nhiên, tháng 4.2018, Thanh tra TP vào cuộc thanh tra IPC phát hiện nhiều sai phạm trong việc bàn giao dự án “khủng” cho một đơn vị không đủ năng lực, hồ sơ dự án vẫn còn nằm trên giấy khi thời hạn thực hiện sắp hết. Dự án này sau đó đã được bàn giao về Ban QLDA
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban QLDA, cho biết hiện đơn vị này đang làm giấy phép thi công cho dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Đáng lẽ, dự án có thể được triển khai sớm hơn, nhưng do Chỉ thị 16 yêu cầu cách ly xã hội, hạn chế mọi hoạt động tụ tập đông người nên ngày khởi công được lùi về sau ngày 15.4.
Cũng theo ông Ninh, nếu Thủ tướng không tiếp tục gia hạn thời gian cách ly xã hội, thì trong khoảng từ ngày 15 - 20.4, đơn vị này dự kiến triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng, bao gồm: Xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh). Ban QLDA cũng đã được thông qua phương án tổ chức giao thông để sẵn sàng khởi công dự án xây cầu Mỹ Thủy 3 và dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống. Đây là 2 công trình trọng điểm giúp xóa giảm "điểm đen" kẹt xe và tai nạn giao thông khu vực Cát Lái (Q.2).
Ngoài ra, dự án xây dựng nút giao thông An Sương hiện cũng đang gấp rút thi công để thông xe vào tháng 6.2020 theo đúng kế hoạch. Hầm chui An Sương (nhánh N2, phía H.Hóc Môn) sau khi đưa vào khai thác sẽ tạo thành nút giao 3 tầng, xóa kẹt xe và tai nạn ở cửa ngõ phía tây bắc TP.
"Trong những dự án trên, có dự án đã được thông qua phương án tổ chức giao thông, được cấp phép thi công, có dự án đang làm thủ tục nhưng gần như đều đã hoàn thiện hồ sơ, chỉ còn chờ Sở GTVT thông qua là sẵn sàng khởi công", ông Ninh thông tin.
Khép kín đường vành đai, tăng giao thông công cộng
Đại diện Sở GTVT TP.HCM nhận định một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng từ các khu vực cửa ngõ vào tới mạng lưới đường nội đô là quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn TP quá thấp, không đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng. Nhiều dự án trọng điểm như mở rộng QL13, QL1A, QL22 đã được quy hoạch nhiều năm, nhưng khó khăn lớn nhất dẫn đến chậm trễ vẫn là khâu giải phóng mặt bằng. TP cũng đang tập trung huy động mọi nguồn lực, tìm nhiều giải pháp để đẩy nhanh mọi thủ tục, gấp rút triển khai các dự án giao thông trọng điểm nói trên.
Theo kế hoạch của Sở GTVT TP, năm nay đơn vị này sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án vành đai, tuyến cửa ngõ TP và các tuyến kết nối vùng như: cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, khép kín Vành đai 2, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở rộng các tuyến quốc lộ trên địa bàn TP.HCM, nút giao thông lớn. Ngành giao thông TP.HCM phấn đấu khởi công xây dựng ít nhất 34 dự án, công trình, hoàn thành ít nhất 14 dự án, công trình trong năm 2020.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, cho rằng bài toán kẹt xe của TP không thể dễ dàng có lời giải nhờ một, hai công trình, vài biện pháp mà phải có sự đồng bộ và quan trọng nhất là xác định thứ tự ưu tiên công trình nào cần nhanh chóng triển khai trước. Theo ông, bên cạnh việc triển khai nhanh chóng theo đúng quy hoạch các dự án trên, cần tập trung hoàn thiện hệ thống đường vành đai và dồn lực đầu tư cho giao thông công cộng. Trong đó, hình thành các tuyến BRT, mở rộng mạng lưới xe buýt, tận dụng nguồn nội lực để xây dựng các tuyến metro.