Khối ngoại mua ròng hơn nghìn tỷ đồng trong tuần cuối tháng 4, tập trung gom MWG, NLG trong khi xả mạnh nhất VHM
Sắc xanh đã trở lại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần cuối cùng của tháng 4. Mặc dù khởi đầu tuần 25 – 29/4 không mấy thuận lợi khi phần lớn các nhóm cổ phiếu tiếp tục chịu áp lực bán tháo, nhưng bù lại 4 phiên giao dịch tiếp theo VN-Index đã hồi phục và kết thúc tuần không quá tiêu cực.
Tính chung cả tuần, VN-Index đứng ở mức 1.366,8 điểm, tương ứng giảm 12,43 điểm (-0,9%) so với tuần trước, HNX-Index tăng 6,71 điểm (1,87%) lên 365,83 điểm, UPCoM-Index cũng tăng 0,16 điểm (0,15%) lên 104,31 điểm.
Trước nhịp chỉnh sâu của thị trường, nhiều cổ phiếu kể cả đầu cơ hay cơ bản đều bị đem ra bán tháo hoặc đối mặt với tình trạng call margin. Theo quan sát, NĐT cá nhân dường như đã bình tĩnh hơn khi không còn tình trạng bán ồ ạt cổ phiếu.
Tuy nhiên, thanh khoản toàn thị trường có phiên đã xuống mức thấp nhất một năm, cho thấy tâm lý thận trọng vẫn chưa được cởi bỏ và thị trường thể hiện trạng thái tăng trong nghi ngờ.
Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi mua ròng tuần thứ ba liên tiếp với tổng quy mô 1.018 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Mặc dù rót vốn vào các cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ (363 tỷ đồng), hoá chất (299 tỷ đồng), sản xuất thực phẩm (276 tỷ đồng), ngân hàng (227 tỷ đồng), chứng khoán (117 tỷ đồng)… nhưng bất ngờ đảo chiều xả mạnh bất động sản với giá trị khoảng 558 tỷ đồng.
Mua ròng tuần thứ ba liên tiếp trên sàn HOSE nhưng xả mạnh bất động sản
Bất chấp thị trường giảm sâu hay có tín hiệu hồi phục, khối ngoại vẫn tranh thủ gom mua nhiều cổ phiếu giá rẻ sàn HOSE với giá trị 1.005 tỷ đồng, ghi nhận tuần mua ròng thứ ba liên tiếp. Điểm chung của những cổ phiếu này đều là những mã đầu ngành hoặc có yếu tố cơ bản tốt.
Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động đứng đầu danh mục mua ròng với hơn 304 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, MWG là một trong những bluechip hiếm hoi giữ được “phong độ” tăng ổn định, tuy nhiên trước những phiên giảm sâu, mã này cũng chịu áp lực bán và điều chỉnh nhẹ trong tuần qua.
Về kết quả kinh doanh ba tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 36.467 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) 1.445 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã đạt 26% kế hoạch doanh thu và 23% mục tiêu LNST cả năm.
MWG đạt kỷ lục doanh thu mới trong quý I, tăng 18% so với cùng kỳ và tăng 2% so với quý IV/2021. Trong quý này, công ty ghi nhận LNST cao thứ hai trong lịch sử hoạt động, tăng trưởng 8% từ nền so sánh rất cao của quý I/2021. So với quý trước, LNST của MWG không chênh lệch nhiều trong bối cảnh các doanh nghiệp cùng ngành đã giảm 30-40%.
Mặc dù khối ngoại đảo chiều bán ròng cổ phiếu bất động sản, NLG là cổ phiếu địa ốc duy nhất được mua ròng gần 273 tỷ đồng. Theo sau, dòng tiền NĐT nước ngoài tìm đến các cổ phiếu khác như DGC (151 tỷ đồng), VNM (130 tỷ đồng), SBT (130 tỷ đồng).
Trong tuần qua, VCB cũng bất ngờ được mua ròng trở lại (128 tỷ đồng) sau thời gian dài bị khối ngoại xả mạnh. Tương tự, khối này cũng gom mua thêm 83 tỷ đồng cổ phiếu HDB. Lọt Top 10 mã được mua ròng còn có các mã GMD (115 tỷ đồng),MSN (101 tỷ đồng), VRE (84 tỷ đồng).
Như đã đề cập, mặc dù duy trì đà mua ròng trong suốt tuần giao dịch, khối ngoại đảo chiều xả cổ phiếu bất động sản trên sàn HOSE trong khi mua gần 800 tỷ đồng trong tuần trước đó. Nổi bật tại chiều bán tiếp tục là mã VHM (513 tỷ đồng). Theo sau có thêm các cổ phiếu địa ốc khác như NVL (167 tỷ đồng), DXG (131 tỷ đồng), KBC (84 tỷ đồng), VIC (70 tỷ đồng).
Đáng chú ý, sau thời gian gom nghìn tỷ cổ phiếu FPT, khối này đã chốt lời 172 tỷ đồng trên vùng đỉnh lịch sử. Ngoài ra còn một số mã khác như VND (62 tỷ đồng), GEX (51,5 tỷ đồng), OCB (34 tỷ đồng) và TPB (39 tỷ đồng).
Đảo chiều mua ròng PVS trên sàn HNX
Tuần qua, khối ngoại trở lại mua ròng hơn 13 tỷ đồng trên sàn HNX. Trong đó, cổ phiếu PVS đóng góp đáng kể vào giá trị mua ròng toàn sàn với 22,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu cùng họ PVI cũng tiếp tục được gom với hơn 7 tỷ đồng. Chiều mua ròng còn ghi nhận một số mã khác với giá trị không đáng kể như TVD, TA9, PLC.
Trong khi đó, chiều mua ròng diễn ra khá ảm đạm tuần qua. Mã bị bán nhiều nhất là IDC chỉ với hơn 10 tỷ đồng. Theo sau là các cổ phiếu SHS (9 tỷ đồng), MBG (6 tỷ đồng), VCS (5 tỷ đồng), THD (3 tỷ đồng)…
Chưa có dấu hiệu mua ròng trở lại trên UPCoM
Sau suốt khoảng thời gian dài mua ròng mạnh tay trên thị trường UPCoM, khối ngoại chưa có dấu hiệu mua ròng trở lại trên thị trường UPCoM. Tuy nhiên, theo quan sát, lực mua và bán của nhóm này diễn ra khá cân bằng.
Tâm điểm bán ròng là mã VEA của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam khi bị xả trong suốt tuần giao dịch, tương đương tổng quy mô 24 tỷ đồng. Lực cung cũng hướng đến các mã khác như VGT (9 tỷ đồng), CSI (3 tỷ đồng), MCH (2,5 tỷ đồng), NTC (1,5 tỷ đồng)…
Ngược lại, dòng tiền ngoại giải ngân không đáng kể vào các cổ phiếu LTG (6 tỷ đồng), SIP (4,5 tỷ đồng), CLX (4,4 tỷ đồng), VTP (4,3 tỷ đồng), VGG (4,2 tỷ đồng)…