Khối ngoại bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng mã VIC trong tuần đầu năm, lực bắt đáy khủng vẫn tạo dư cầu 4 phiên liên tiếp
Khai xuân với 4/5 phiên tăng giá là một khởi đầu tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index có thêm 22,75 điểm, tương đương tăng 1,54% so với tuần trước và đóng cửa tại 1.501,71 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 21.838 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tuần trước đó những vẫn giảm 16% so với trung bình 5 tuần. Bất chấp diễn biến khởi sắc của thị trường chung, khối ngoại chuyển hướng bán ròng 1.084 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ bán ròng 939 tỷ đồng.
Top cổ phiếu mua ròng khớp lệnh tuần này của nước ngoài tập trung vào chứng chỉ quỹ (FUEVFVND), ngân hàng (EIB, VCB, CTG), bất động sản xây dựng (VHM, VGC, KBC). Ngược lại, họ bán ròng tập trung vào 3 mã chính là VIC, HPG, NVL.
NĐT cá nhân mua ròng VIC đối ứng với các bên còn lại
Như đã đề cập bên trên, tâm điểm giao dịch tuần qua của nhà đầu tư nước ngoài là việc bán ròng rã cổ phiếu VIC sau khi doanh nghiệp này báo lỗ năm 2021.
Cụ thể, trong quý 4 năm 2021 nói riêng và cả năm 2021 nói chung, hoạt động kinh doanh bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt giãn cách xã hội kéo dài. Vincom Retail mở rộng gói hỗ trợ khách thuê với quy mô lên tới 2.115 tỷ đồng tính riêng cho năm 2021 cũng khiến doanh thu bị ảnh hưởng đáng kể.
Do đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup trong quý IV đạt 34.458 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế năm 2021 doanh thu thuần đạt 125.306 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do trong kỳ Vingroup ghi nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng, lỗ trước thuế trong quý IV/2021 là 6.369 tỷ đồng. Lỗ sau thuế trong kỳ là 9.249 tỷ đồng. Lũy kế năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 3.346 tỷ đồng, lỗ sau thuế là 7.523 tỷ đồng, đánh dấu năm lỗ đầu tiên trong lịch sử của ông lớn này.
Trở lại với giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, khối này bán ròng khớp lệnh 1.603 tỷ đồng cổ phiếu VIC trong tuần, kéo giá cổ phiếu này giảm 15,77% chỉ sau một tuần. Việc cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC giảm mạnh đã bẻ gãy đà đi lên của VN-Index, tính chung cả tuần mã này đã lấy đi 15 điểm của chỉ số chính sàn HOSE.
Nếu loại trừ giao dịch đột biến cổ phiếu của Vingroup, khối ngoại sẽ có tuần mua ròng thứ hai liên tiếp với hơn 500 tỷ đồng.
Thống kê giao dịch cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup, nhà đầu tư cá nhân là bên mua đối ứng với lực bán của nước ngoài, thậm chí cả khối tự doanh công ty chứng khoán và tổ chức trong nước. Điểm sáng trong trường hợp này là thanh khoản luôn cao đáp ứng nhu cầu bán ra và lực cầu bắt đáy khá bền.
Theo thống kê của FiinTrade, lượng dư mua (tổng khối lượng đặt mua - tổng khối lượng đặt bán) của VIC chỉ về mức âm duy nhất trong phiên đầu tuần (7/2) và dư cầu liên tiếp 4 phiên, lên cao nhất trong tuần phiên ngày thứ Sáu (11/2) với gần 2,5 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, đà giảm của VIC chưa biết khi nào mới có thể hãm lại khi giá cổ phiếu đóng cửa phiên cuối tuần tại 81.700 đồng/cp, chính thức phá đáy 15 tháng. Do đó, việc xuống tiền "bắt đáy" cổ phiếu này có thể gây thua lỗ lớn cho nhà đầu tư. Không những thế, những nhà đầu tư sử dụng vay ký quỹ từ các công ty chứng khoán để gia tăng sức mua cũng đang lo lắng về khả năng VIC sẽ bị cắt/hạ margin, đồng thời có khả năng bị bán giải chấp do thị giá bốc hơi quá nhanh.