Khối bất động sản khổng lồ của Trung Quốc ở nước ngoài
Trong 2 năm 2016 và 2017, các công ty Trung Quốc đã chi tới 89 tỷ USD mua bất động sản nước ngoài. Tuy nhiên, Bắc Kinh đặt dấu chấm hết cho "bữa tiệc" này từ giữa năm 2017. Khi đó, 4 công ty tư nhân lớn nhất nước này - HNA Group, Anbang Insurance, Fosun International và Dalian Wanda Group bị cảnh báo đã đi vay quá nhiều. Chiến dịch giảm nợ trong nền kinh tế của giới chức Trung Quốc đã khiến các công ty này buộc phải bán bớt tài sản ở nước ngoài.
Tuy vậy, sau khi đã bán số lượng kỷ lục, người Trung Quốc vẫn còn nắm trong tay rất nhiều bất động sản hấp dẫn của thế giới, như tòa nhà 245 Park Ave tại Manhattan, khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng của New York, Vista Tower của Chicago - đang xây dựng nhưng hứa hẹn sẽ là một trong những tòa nhà cao nhất thế giới.
Khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng của New York. Ảnh: AFP |
HNA là cái tên mua sắm tích cực nhất, từ cổ phần các hãng hàng không, công ty cung cấp dịch vụ ăn uống, phân phối hàng công nghệ, khách sạn, quản lý tài sản đến dịch vụ ngoại hối. Wanda thì mua rạp phim và hiện là công ty điều hành rạp phim lớn nhất thế giới. Fosun - được điều hành bởi Warren Buffett Trung Quốc - Guo Guangchang - mua Club Med và cổ phần trong nhiều hãng thời trang.
Anbang cũng vung tiền rất hào phóng, nhưng nhận về kết cục không mấy tốt đẹp. Hồi tháng 2, đại gia bảo hiểm này đã bị chính phủ Trung Quốc tiếp quản. Cựu chủ tịch Wu Xiaohui hồi tháng 5 bị kết án 18 năm tù vì lừa đảo huy động vốn và biển thủ tiền.
HNA thì đã thực hiện một vài sửa đổi. Kết thúc năm 2018, họ dẫn đầu về số thương vụ bán tài sản trong nhóm 4 công ty trên. Dù vậy, các công ty con của họ vẫn chậm trả nợ suốt nhiều tháng qua, cho thấy HNA cần nhiều tiền mặt hơn nữa để vượt thách thức về thanh khoản.
"Trung Quốc sẽ không thể là lực đẩy chính trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của châu Á", Stephanie Yang - Giám đốc các thị trường vốn toàn cầu tại CBRE cho biết. Người mua từ các nước như Singapore hay Hàn Quốc đã thế chân Trung Quốc tại các thị trường như Mỹ và châu Âu.
Khi kinh tế trong nước tăng trưởng chững lại, Bắc Kinh được kỳ vọng siết kiểm soát dòng vốn đổ ra nước ngoài. Việc này có thể khiến hoạt động bán bất động sản ở nước ngoài tiếp tục lập kỷ lục năm 2019.
Năm 2018, các biện pháp giảm nợ của Trung Quốc mới bắt đầu thực sự có hiệu quả. Tổng giá trị các thương vụ bán bất động sản của công ty Trung Quốc đã vọt lên 12,3 tỷ USD kể từ tháng 1. Con số này cùng kỳ năm ngoái chỉ là 5,3 tỷ USD, theo số liệu của Real Capital Analytics.
"Xu hướng giảm nợ sẽ còn tiếp tục trong nửa đầu năm sau", James Shepherd - Giám đốc điều hành phụ trách khu vực Trung Quốc tại Cushman & Wakefield nhận định. Ông cho biết nhà đầu tư Trung Quốc thường dựa vào các ngân hàng địa phương để hỗ trợ việc mua sắm. Khi nguồn tiền này bị cắt, và áp lực tái cấp vốn tăng, việc bán tài sản là không thể tránh khỏi.
Việc bán tài sản "một phần do Chính phủ Trung Quốc thúc giục, để kiềm chế những người mua quá điên cuồng, nhưng cũng là biện pháp để giảm nợ trong nền kinh tế", Jeffrey Langbaum - nhà phân tích bất động sản thương mại tại Bloomberg Intelligence cho biết.
Dĩ nhiên có nhiều người vẫn sẵn sàng mua. Một nhóm nhà đầu tư, trong đó có Ping An Real Estate, China Life Insurance đã bán một tòa nhà 13 tầng ở Boston với giá 450 triệu USD hồi tháng 8. Đây là con số kỷ lục cho một giao dịch tòa nhà văn phòng ở thành phố này.
"Bất ổn kéo dài vì xung đột thương mại sẽ gây sức ép lên dự trữ ngoại hối và giá đồng Nhân dân tệ. Vì thế, các biện pháp kiểm soát vốn có thể còn tiếp tục trong năm 2019", Tom Moffat - giám đốc các thị trường vốn châu Á tại CBRE Hong Kong nhận định. Điều này cũng có nghĩa "nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tiếp tục chọn lọc tài sản để bán, để củng cố bảng cân đối kế toán hoặc chốt lời".