|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khoảng tối ẩn sau bức tranh sáng của ngành cá tra

09:28 | 25/11/2018
Chia sẻ
Cá tra là loại thủy sản có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu số 1 hiện nay, nhưng bức tranh sáng này cũng tiềm ẩn bất ổn nếu không có giải pháp quản lý...
khoang toi an sau buc tranh sang cua nganh ca tra
Trong bức tranh sáng về xuất khẩu cá tra đang tiềm ẩn những mối nguy, có thể gây bất ổn cho ngành. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Xuất khẩu đột phá, doanh nghiệp trúng đậm, người nuôi lãi lớn

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo xuất khẩu cá tra năm 2018 của Việt Nam sẽ vượt 2 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh so với con số 1,75 tỉ đô la Mỹ của năm ngoái. Trong 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu loại thủy sản này đã đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 24% so với cùng kỳ. Đây cũng là loại thủy sản có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong khoảng thời gian này. Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt gần 3 tỉ đô la Mỹ, giảm 5,7%; cá ngừ đạt trên 535 triệu đô la Mỹ, tăng 9,9%; nhuyễn thể đạt 619 triệu đô la Mỹ, tăng 2,3% và các loại thủy sản khác đạt gần 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,9%.

Ngành cá tra phục hồi mạnh mẽ đã giúp không ít doanh nghiệp, nhà máy chế biến xuất khẩu thu được những kết quả hết sức ấn tượng.

Chẳng hạn, lợi nhuận sau thuế chín tháng đầu năm 2018 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang đạt 147 tỉ đồng, tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ.

Cần có chính sách kiềm chế không để bùng nổ về sản lượng như đã từng xảy ra cách đây 10-12 năm. Mặt khác, cần đảm bảo chất lượng thay vì chạy theo số lượng.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI cũng đạt lợi nhuận sau thuế hơn 462 tỉ đồng trong chín tháng, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn, cho biết trong chín tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 270 triệu đô la Mỹ, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017.

Những cái tên khác như Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt (NAVICO); Thủy sản số 4; Thủy sản Mekong… cũng có kết quả kinh doanh rất tốt nhờ vào sự phục hồi của những thị trường chính như Trung Quốc - Hồng Kông, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN…

Còn đối với lĩnh vực nuôi, qua kết quả theo dõi diễn biến thị trường cá nguyên liệu của Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA), ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch hiệp hội này cho biết, nhu cầu nguyên liệu từ khu vực chế biến tăng đã kéo giá cá nguyên liệu tăng mạnh theo, giúp lợi nhuận của người nuôi đạt rất cao, từ 7.000-10.000 đồng/ki lô gam. “Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay”, ông nhấn mạnh. Ông Quốc cũng cho biết thêm rằng, đối với các hộ nuôi liên kết, doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng khoản tiền khoán mà người nuôi được hưởng, từ mức 3.000 đồng/ki lô gam như trước đây lên 6.000-8.000 đồng/ki lô gam.

Những bất ổn cần được chú ý

Trước những “điểm sáng” mà ngành cá tra đã đạt được như nêu trên, ở nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), người nuôi đã bắt đầu có sự điều chỉnh theo hướng gia tăng sản xuất, dù vẫn còn khiêm tốn, nhưng có thể tạo ra những bất ổn, nếu thị trường biến động xấu.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cá tra của các địa phương ĐBSCL trong 10 tháng năm 2018 đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số địa phương nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn, như Đồng Tháp đạt 362.500 tấn, tăng 4,5%; An Giang đạt 283.900 tấn, tăng 19,3%; Bến Tre đạt 172.000 tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ...

Ông Quốc cho rằng câu chuyện cung - cầu đã trở thành vòng lẩn quẩn rất khó để kiểm soát của ngành cá tra. Do đó, về phía quản lý nhà nước, cần đưa ra những tiêu chí ràng buộc khu vực nuôi nhằm quản lý về mặt sản lượng. “Muốn nuôi phải đáp ứng được điều kiện là phải có hệ thống xử lý nước thải, chẳng hạn vậy”, ông Quốc nói.

Về phía ngân hàng, ông Quốc đề xuất chỉ nên khuyến khích cho vay theo mô hình chuỗi liên kết, hạn chế cho vay tự phát bên ngoài. “Ví dụ, chỉ cho doanh nghiệp và nông dân vay khi có tham gia liên kết chuỗi nhằm hạn chế nuôi tự phát, có thể dẫn đến mất kiểm soát nguồn cung”, ông nói.

Trong khi đó, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang, cảnh báo thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm mua. Bởi, giá cá tra xuất khẩu tăng rất mạnh, trong khi đồng nhân dân tệ mất giá. “Nếu cá tra Việt Nam không tăng giá, thì bán vào Trung Quốc cũng đã cao hơn trước 10% do nhân dân tệ mất giá. Nhưng, thực tế hiện nay giá đã tăng thêm, cho nên, giá bán vào đây tăng rất mạnh”, ông cho biết và dẫn chứng trước đây giá bán vào Trung Quốc chỉ hơn 2 đô la Mỹ/ki lô gam, thì nay đã là 3,3 đô la Mỹ/ki lô gam.

Theo ông Văn, giá cá tra duy trì ở mức cao có thể dẫn đến việc Trung Quốc chuyển hướng đầu tư sản xuất loại thủy sản này. “Mức độ nuôi của Trung Quốc hiện còn nhỏ lẻ, nhưng nếu tiếp tục duy trì mức giá này họ sẽ nuôi nhiều hơn”, ông nhận định và cảnh báo nếu trong nước cũng gia tăng sản lượng thì nguy cơ ngành cá tra gặp khó sẽ không tránh khỏi.

Ông Hòe cho biết VASEP đang nghiên cứu, đánh giá tình hình nuôi của Trung Quốc để xác định khả năng ảnh hưởng đến thị phần xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. “Hiện nay họ bắt đầu nuôi, họ cũng đã nuôi lên thương phẩm rồi, nhưng điều đó có làm cho thị phần mình giảm xuống hay không thì cần phải đánh giá kỹ”, ông nói.

Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký VINAPA, cũng cho rằng cần có chính sách kiềm chế không để bùng nổ về sản lượng như đã từng xảy ra cách đây 10-12 năm. Mặt khác, cần đảm bảo chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Đó là bài học của mỗi doanh nghiệp, cũng là bài học chung của ngành.

Xem thêm

Trung Chánh