Khoản tiền gửi tại hai ngân hàng 0 đồng của ACB giờ ra sao?
Ngân hàng Á Châu - ACB. (Nguồn: ACB).
Báo cáo kiểm toán hợp nhất 2016 vừa được Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu – ACB công bố, tính đến 31/12/2016, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác của ACB lên đến 6.443 tỷ đồng, tăng gần 8% so với thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, khoản dự phòng rủi ro được giảm từ 200 tỷ xuống 172 tỷ đồng.
Đáng chú ý là khoản tiền gửi tại hai ngân hàng bị mua lại 0 đồng là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu - GPBank và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – CB.
Theo báo cáo thì vào thời điểm 31/12/2016, khoản tiền gửi có kỳ hạn của ACB tại GPBank còn 125 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 772 tỷ đồng hồi cuối năm 2015.
ACB cho hay, tại ngày 31/3/2014, Ngân hàng đã ký thỏa thuận với GPBank gia hạn việc trả khoản tiền gửi thêm 24 tháng, tức đến ngày 4/9/2016 mới đáo hạn.
Với việc GPBank bị mua lại 0 đồng vào ngày 7/7/2015 thì ngày 25/12/2015, ACB đã gửi công văn đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét cho ACB nhận chuyển nhượng các trái phiếu, bất động sản do GPBank nắm giữ để cấn trừ khoản tiền gửi trên, đồng thời NHNN sẽ được miễn toàn bộ lãi phải thu phát sinh.
Sau khi được NHNN đã chấp thuận yêu cầu này, ngày 7/4/2016, ACB đã nhận chuyển nhượng các trái phiếu với mệnh giá 500 tỷ đồng do một công ty cổ phần trong nước phát hành để cấn trừ 520 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank.
Đến ngày 12/9 và 4/11/2016, ACB và công ty con của mình đã nhận chuyển nhượng hai bất động sản với giá trị lần lượt gần 69 và 62 tỷ đồng do GPBank nắm giữ để cấn trừ 65 tỷ đồng và 62 tỷ đồng tiền gửi của ACB.
Qua đó, 125 tỷ đồng tiền gửi còn lại, ACB cho biết đang trong quá trình thực hiện các thủ tục nhận chuyển nhượng bất động sản do GPBank nắm giữ để cấn trừ nợ. Tổng số tiền trích lập dự phòng cho khoản tiền gửi còn lại này tại ngày 31/12/2016 là 6,25 tỷ đồng.
Đối với khoản tiền tại CB, tính đến thời điểm cuối năm 2016 con số vẫn được giữ nguyên từ cuối 2015 là gửi 400 tỷ đồng, đồng thời đã quá hạn lãi. Theo đó, ACB đã phân loại vào nợ Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn.
Trước sự việc NHNN mua lại CB giá 0 đồng vào ngày 31/1/2015, ngày 25/12/2015 ACB đã có công văn gửi NHNN xem xét cho Ngân hàng điều chỉnh kỳ hạn thu hồi khoản tiền gửi này và khoản lãi liên quan, và được NHNN chấp thuận.
ACB sẽ thu hồi hằng năm theo lộ trình được phê duyệt cho đến ngày 30/9/2020. Tổng số tiền trích lập dự phòng tại này 31/12/2016 cho khoản tiền gửi này là gần 166 tỷ đồng. Như vậy, với khoản tiền gửi tại hai ngân hàng 0 đồng, ACB trích lập dự phòng khoảng 172 tỷ đồng.
Nói thêm về khoản tiền gửi ở CB, tại đại hội đồng thường niên 2016, ban lãnh đạo ACB cho hay, khoản tiền gửi tại CB được cơ cấu trong 5 năm, mỗi năm trả 1/5 và mức lãi là 2%. Đồng thời, khoản tiền gửi này được đảm bảo bằng trụ sở của Ngân hàng CB với giá trị tài sản đảm bảo được đánh giá là hơn 400 tỷ đồng.
Trong lần trả lời phỏng vấn của Forbes vào cuối năm 2016, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch ACB bày tỏ, “Bốn năm qua ACB chủ yếu tập trung củng cố các nền tảng, làm sạch bảng cân đối tài sản, thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu, quy hoạch lại kênh phân phối và sắp xếp lại đội ngũ nhân sự”. Dự kiến, ACB sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng vào năm 2018.
Lãnh đạo ACB cũng cho biết thêm số nợ quá hạn sẽ được trích lập, thu hồi dứt điểm trong năm 2017.
Năm 2016, ACB đạt lãi trước thuế 1.667 tỷ đồng, tăng trưởng gần 27% so với năm trước. Lãi sau thuế 1.325 tỷ đồng, tăng 29%. Trong một báo cáo ngành ngân hàng của Chứng khoán Vietcombank – VCBS vào tháng 12/2016, VCBS dự báo năm nay, ACB có thể ghi nhận 1.945 tỷ đồng lãi trước thuế.
Ngoài ra, một báo cáo khác của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng dự báo ACB sẽ giải quyết các vấn đề tồn đọng xong trước năm 2018 và dự kiến trả cổ tức từ năm này trở đi với tỷ lệ 15%.