Khó khăn trăm bề đè năng lên nông dân trồng cà phê
Nắng hạn dự báo ảnh hưởng lớn đến sản lượng cà phê
Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, năm nay các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên sẽ chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El nino.
Chỉ mới bước vào đầu cao điểm khô, một số khu vực của Tây Nguyên đã thiếu nước nghiêm trọng và dự báo khô hạn có khả năng diễn ra khốc liệt vào mùa khô 2019.
Lượng mưa năm 2018 chỉ đạt khoảng 60 - 70% so với bình quân nhiều năm và mùa mưa lại kết thúc sớm. Trong khi đó, mùa mưa 2019 cũng sẽ đến muộn hơn so với quy luật. Một số hồ đập trong vùng lượng nước thấp hơn rất nhiều so với các năm.
Vicofa cho rằng sản lượng cà phê trong niên vụ 2018 - 2019. Thậm chí, cả niên vụ tới bị sụt giảm đáng kể.
Tại Đắk Lắk, hầu hết vườn cà phê ba lần ra hoa nhưng không đủ nước tưới nên rụng hoa, ít quả. Đến nay, vườn cà phê đã cho quả lần đầu sớm. Hiện tượng này cũng ảnh hưởng đến sản lượng cà phê vụ năm nay.
Tại tỉnh Gia Lai, nắng hạn kéo dài khiến nông dân Gia Lai làm việc qua Tết trên vườn cà phê. Nhiều năm trước, khi lượng nước vẫn đều đặn đổ về sông, suối quanh các vườn cà phê, người dân nơi đây không cần quá vất vả trong việc tìm kiếm nguồn nước.
Thế nhưng 4 năm trở lại đây, lưu lượng nước giảm mạnh, rất nhiều sông, suối cạn đáy khiến người trồng cà phê ở Gia Lai điêu đứng, thậm chí hồ Thủy điện Ka Nak tại Gia Lai hiện nay chỉ đạt 10% dung tích.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng gặp phải tình trạng quả cà phê có nhân rất nhỏ hoặc không nhân, đây cũng là tình trạng khá phổ biến mà người trồng cà phê tại Việt Nam đã gặp phải trong vụ vừa qua và vẫn sẽ tiếp diễn.
Nguyên nhân là một số trận mưa lớn kéo dài suốt cả tuần, thậm chí còn dài hơn, làm cho rễ cây không lấy được dinh dưỡng và cũng ngăn không cho nông dân bón đủ phân khiến quả nhỏ, xốp, trọng lượng nhân giảm đi đáng kể, thậm chí không nhân.
Tại tỉnh Kon Tum, những tháng đầu mùa mưa năm 2018, hiện tượng bọ cánh cứng (hay còn gọi là bọ hũ) đã bùng phát trở lại, gây thiệt hại cho hàng chục héc ta cà phê trồng mới tại huyện Đắk Hà. Bọ cánh cứng gây hại vào ban đêm ăn trụi lá và ngọn, khiến cây không sinh trưởng và phát triển được.
Ảnh minh họa
Nông dân không còn động lực đầu tư vào cà phê
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng của cây cà phê nữa, đó chính là giá thành sản phẩm hạt cà phê cùng giá nhân công, phân bón.
Giá cà phê niên vụ trước ở mức rất thấp và giảm dần về phía cuối vụ, sang vụ mới có nhích lên một chút nhưng sau đó lại tiếp tục giảm sâu, nhiều tháng giá cà phê nhân xô chỉ trong khoảng 33.000 – 34.000 đồng/kg. Tính đến cuối tháng 2, giá cà phê còn 33.000 đồng/kg trong khi giá nhân công và phân bón luôn ở mức cao.
Điều nghịch lý này đã khiến người đầu tư vào trồng cà phê rất vất vả, thu không đủ chi, dẫn đến chán nản và chặt bỏ rất nhiều vườn cà phê để trồng các loại cây khác có doanh thu tốt hơn mà giá ít bị biến động hơn, chịu hạn được tốt hơn như sầu riêng, chanh leo, bơ, …
Với tình trạng hạn hán thiếu nước tưới, El Nino, sâu bọ hoành hành, không đủ nhân lực do giá thành tăng cao mà giá cà phê lại xuống quá thấp, liên tục biến động, người trồng cà phê hoang mang không còn mặn mà nhiều đến chăm sóc vườn cà phê của mình sẽ khiến cho sản lượng cà phê trong niên vụ này và cả niên vụ tới bị sụt giảm đáng kể.
Giá cà phê robusta có thể phục hồi trong ngắn hạn
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê robusta có thể phục hồi nhẹ trở lại. Tình hình kinh tế lạc quan giúp đồng real tăng so với đồng USD sẽ khiến người trồng cà phê Brazil hạn chế bán ra.
Bên cạnh đó, thị trường còn xuất hiện lực mua mới của ngành công nghiệp chế biến do nhu cầu tiêu dùng cà phê tăng khá, nhất là ở các thị trường mới nổi.
Trong khi tồn kho cà phê robusta giảm 1.260 tấn, tương ứng giảm 1% trong tuần kết thúc ngày 11/2 so với tuần trước đó, xuống 121.580 tấn.
Trái lại, giá cà phê arabica được dự báo vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp do nguồn cung dư thừa.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Tiêu thụ cà phê toàn cầu được dự báo tăng 2,1% so với năm 2017 - 2018 lên 165,19 triệu bao trong năm 2018 - 2019.
Trong đó, tiêu thụ nội địa tại các quốc gia xuất khẩu ước tăng 1,4% lên 50,3 triệu bao. Tiêu thụ tại những quốc gia nhập khẩu ước tăng 2,5% lên 114,88 triệu bao.