Kho chứa dầu thô của Trung Quốc gần hết công suất
Khối lượng lớn tàu chứa dầu nằm ngoài cảng
Theo trang Oilprice, rung Quốc đã tận dụng giá dầu lao dốc xuống mức thấp nhất trong lịch sử vào tháng 4 và tháng 5 để nhập khẩu số lượng lớn dầu thô.
Số dầu thô đó hiện tại đang được chứa trên các tàu chở dầu lớn đậu ngoài cảng, gây tắc nghẽn giao thông đường thuỷ bởi Trung Quốc không thể nhanh chóng vận chuyển chúng vào các kho chứa trên đất liền.
Càng nhiều tàu chở dầu cập bến, các kho chứa trên bờ càng tiếp nhận nhiều thùng dầu thô đến nỗi các kho đang có nguy cơ quá tải.
Theo báo cáo của hãng tin địa phương Caixin News dựa trên những con số do công ty Oilchem China cung cấp vào đầu tuần trước “tính đến thứ Tư (8/7) Trung Quốc đã sử dụng 69% công suất của kho chứa dầu tương đương với 33,4 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước”.
Trong khi đó các chuyên gia cho rằng 70% là giới hạn công suất của quốc gia này. Điều này cho thấy các kho chứa đang ở mức báo động dư thừa dầu thô.
Tuần qua, tờ Bloomberg đưa tin về con tàu Maran Apollo với chiều dài 330m, biểu tượng cho sự lớn mạnh của thị trường dầu thô hiện là một trong rất nhiều những con tàu đang đậu tại cảng Trung Quốc.
“Con tàu chở 2 triệu thùng dầu thô Mỹ sau khi rời khỏi vùng biển Caribbean đã hướng thẳng về Trung Quốc với vận tốc 11,5 hải lí/giờ”.
“Tuy nhiên Maran Apollo không phải chỉ mới khởi hành vài ngày trước mà đã xuất phát từ đầu tháng 5. Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, con tàu này đã đậu ở vịnh Mexico hơn hai tháng do không có người mua”.
Việc Maran Apollo di chuyển đến cảng Rizhao của Trung Quốc cho thấy nhu cầu của các công ty lọc dầu đang tăng mạnh.
Tuy nhiên không phải bất kì loại dầu thô nào cũng được sử dụng.
Các công ty lọc dầu đang nhắm tới dầu thô chua vừa và nặng (dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao và tương đối đặc) được Arab Saudi và các quốc gia đồng minh bơm cũng như dầu thô được bơm ngoài khơi ở vịnh Mexico đang được chứa trên tàu Maran Apollo.
Thông thường dầu Urals của Nga và dầu Arab Light của Arab Saudi là hai loại thông dụng nhất.
Tuy nhiên hiện nay nguồn cung hai loại dầu thô này thiếu hụt do thỏa thuận cắt giảm sản lượng lớn nhất trong lịch sử của OPEC+.
Còn đường phục hồi thị trường dầu vẫn còn xa
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ không cắt giảm các loại dầu thô cũ khỏi thị trường dầu đang bão hoà mà cắt giảm các loại dầu có nhu cầu tiêu thụ cao.
Điều này gây ra nhiều vấn đề cho thị trường dầu đang cố gắng quay trở lại trạng thái bình thường.
Theo Bassam Fattouh, giám đốc viện nghiên cứu năng lượng Oxford “Việc OPEC+ mạnh tay cắt giảm sản lượng cùng với sự phục hồi nhu cầu đã giúp tái cân bằng thị trường. Tuy nhiên sự phục hồi này không cân bằng khi nhu cầu dầu thô chua vừa và nặng cao hơn dầu ngọt nhẹ”.
Sự thiếu hụt dầu thô chua vừa và đặc biệt là dầu thô ngọt nhẹ với hàm lượng lưu huỳnh thấp cũng khiến giá dầu thông thường trong tình trạng biến động.
Thông thường, giá những loại dầu này khá rẻ do nguồn cung nhiều. Tuy nhiên việc cắt giảm đáng kể các loại dầu thô chua vừa đã khiến giá dầu này tăng vọt.
Mặc dù giá dầu phục hồi có thể được coi là một dấu hiệu thành công cho OPEC + và các chiến lược cắt giảm sản lượng, thị trường hiện tại không hoàn toàn phục hồi.
Thị trường đang dần bình ổn một cách chậm chạp và chịu nhiều tác động khó lường của nền kinh tế như cắt giảm sản lượng, các gói kích thích tăng trưởng và hàng loạt các yếu tố tác động bên ngoài. Con đường phục hồi thị trường dầu vẫn còn khá dài và không dễ dàng.