|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khi dòng tiền vào cổ phiếu chững lại

07:10 | 19/05/2020
Chia sẻ
Trong những ngày cuối tuần từ 11 đến 15-5, dòng tiền vào cổ phiếu (CP) có dấu hiệu chững lại ở cả Việt Nam và nước ngoài. CP Mỹ và châu Âu có tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ cuối tháng 3.

Mức giảm giá của thị trường CP Việt Nam có thấp hơn, nhưng phiên giao dịch cuối tuần cũng chứng kiến sự sụt giảm của chỉ số CP về 827 điểm và gần 250 mã CP giảm điểm.

Căng thẳng Mỹ - Trung trỗi dậy

Yếu tố rủi ro của căng thẳng Mỹ-Trung vốn dĩ luôn tồn tại, nhưng do dịch Covid-19 đã bị thị trường CP bỏ quên khi mở cửa trở lại. Chỉ đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập đến khả năng “cắt đứt toàn bộ mối quan hệ” với Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn của Fox Business Network, nhà đầu tư (NĐT) mới chợt nhận ra họ đã bỏ quên những lời không mấy tốt đẹp của ông về Trung Quốc trong mấy tuần qua không hề vô lý.

Vài nhà phân tích ban đầu cho rằng những lời nói đó có thể cắt khỏi nội dung của cuộc trò chuyện, và chưa rõ Tổng thống Mỹ muốn hàm ý điều gì. Tuy nhiên, họ sớm nhận ra đó không phải là phản ứng nhất thời kiểu đề xuất “tiêm thuốc tẩy” để chữa viruscorona của ông Trump hồi cuối tháng 4.

Chính quyền Mỹ đã rất nghiêm túc khi đồng thời thông qua dự luật về người Duy Ngô Nhĩ ở Thượng viện, tiếp đó là những quy định ngăn chặn các công ty sản xuất chip xử lý Mỹ bán hàng cho Công ty Huawei của Trung Quốc. Trước đó, chính quyền Mỹ cũng cấm quỹ hưu trí của các công ty chính phủ đầu tư vào CP Trung Quốc.

Khi dòng tiền vào cổ phiếu chững lại - Ảnh 1.

Có vẻ như hầu hết hành động leo thang này đều đến từ phía Mỹ và phía Trung Quốc có vẻ “chịu đòn”. Tuy nhiên, giữa ngày giao dịch của Mỹ đã xuất hiện những tin tức cho rằng Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách tuyên bố các công ty Mỹ như Apple, Qualcomm và Cisco không đáng tin cậy, đồng thời dừng mua máy bay từ Boeing.

Nếu điều này thành sự thật, các CP dẫn dắt của chỉ số CP Nasdaq, nhóm các công ty công nghệ được cho là miễn nhiễm với dịch bệnh, sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Trung Quốc trước đây cũng đã cảnh báo sẽ có đòn đáp trả thích đáng nếu dự luật Duy Ngô Nhĩ của Mỹ được thông qua.

Những diễn biến đó cho thấy cuộc đấu ăn miếng trả miếng của Mỹ và Trung Quốc có thể tạo ra bất ổn ít nhất là trong ngắn hạn, sẽ khiến NĐT CP tháo chạy ra khỏi cả những công ty có nền tảng kinh doanh vững chắc và có lượng lớn tiền mặt trong tay. Mọi phân tích trở nên vô ích trong bối cảnh không ai biết những căng thẳng này sẽ dẫn đến đâu giữa 2 siêu cường kinh tế. Trong bối cảnh đúng ra họ phải bắt tay nhau dẫn thế giới ra khỏi suy thoái, lại ngày càng nhiều xung đột.

NĐT với tin kinh tế xấu

Một học trò cũ của người viết đang làm việc trong ngành tài chính hài hước nhận xét rằng khi thị trường đi xuống, cùng một tin kinh tế người ta lại phản ứng khác nhau. Tuần trước số thất nghiệp của Mỹ công bố xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng thêm 3 triệu người, nhưng thị trường chỉ chú ý đến việc con số đó thấp hơn con số tuần trước, vậy là đẩy giá CP lên.

Tuy nhiên, trong tuần 11 đến 15-5 thì ngược lại. Khi con số thất nghiệp ở Mỹ vẫn tăng nhưng tăng thấp hơn 3 triệu người, thị trường CP lại phản ứng tiêu cực, đẩy giá CP xuống. Đơn giản khi người ta lạc quan tin xấu cũng thành tin tốt. Nhưng khi người ta bình tĩnh lại, họ sẽ phản ứng khác đi.

Đến ngày thứ sáu, NĐT lại đón nhận thêm tin tiêu cực nữa. Đó là số liệu bán lẻ tháng 4 của Mỹ giảm nhiều hơn dự đoán, ở mức sốc 16,4% so với mức dự đoán giảm 12%. Những phản ứng này cho thấy, quan điểm cho rằng thị trường CP trong mấy tuần trước đã hoàn toàn phản ánh những tiêu cực của nền kinh tế trong 6-12 tháng trong tương lai, là hoàn toàn “nói đại”.

Sự thật, NĐT chỉ phớt lờ tin tức đó và nay mới suy nghĩ lại. Họ suy nghĩ lại là vì tâm lý thị trường xấu đi. Trong một thị trường có nhiều NĐT cá nhân vừa tham gia thị trường, đâm đầu mua nhầm CP Zoom Technologies - trong khi thật ra họ muốn mua CP của Công ty Zoom Video Communication đang nổi đình nổi đám nhờ công nghệ giảng dạy và họp trực tuyến qua mạng - chuyện này là bình thường.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều bất ổn tiềm ẩn thị trường vẫn chưa thể đánh giá và phản ánh hết vào giá CP. Đó còn là những bất ổn về thị trường nhà, vỡ nợ trái phiếu dưới chuẩn, về khả năng tái phát dịch bệnh... Tuy nhiên, khi dòng tiền đổ vào trở lại, người ta lại quên ngay, bất chấp nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo toàn cầu đang đối mặt với đợt khủng hoảng kinh tế xấu chưa từng có.

Trong một thị trường như vậy, không thể lấy phân tích cơ bản ra tranh luận với giá CP. Dòng tiền vào CP lên. Khi dòng tiền bớt vào, hưng phấn ít đi, người ta bắt đầu nhận ra tin xấu nhiều và bán CP đi. Khi dòng tiền rút ra mạnh, NĐT đủ hoảng loạn, lúc đó những người nói kinh tế rất xấu sẽ đúng. Nhưng có thể khi đó họ đã bỏ lỡ vài đợt sóng lên mạnh.

Ở thị trường đó, dòng tiền nào cũng có thể dẫn dắt, không cần phân biệt nó là dòng tiền của tổ chức, của nước ngoài hay của NĐT cá nhân. Ở thời này, người biết nhiều hơn, thông minh hơn, chưa chắc là người đúng. Khi giá CP được dẫn dắt bởi dòng tiền đang hưng phấn của thị trường cứ theo nó mà đi. Nhưng cần tỉnh táo nhận ra sẽ có lúc nào đó, dòng tiền đó đột ngột chững lại. Bởi đơn giản con số thất nghiệp và phá sản đang tăng lên từng ngày ở tất cả quốc gia. Không có gói kích thích kinh tế nào đủ lớn để chặn đứng hoàn toàn điều đó.

Nói như bạn của tôi, khi giá CP tiếp tục tăng nhờ vào lượng tiền đổ vào dồi dào, vậy cứ mua. Khi nhạc dừng phải chạy trước khi bữa tiệc tan. Trong tiến trình phục hồi kinh tế lần này, sẽ còn nhiều lần nhạc dừng đột ngột như mấy hôm nay. Chiến lược đầu tư CP trong thời gian tới vì vậy cũng cần có những giải pháp đề phòng khi tiếng nhạc dừng đột ngột như vậy.

Sau thời gian hưng phấn, kể cả tin thất nghiệp mấy chục triệu người ở Mỹ cũng không cản nổi đà tăng giá của CP, NĐT phần nào bình tĩnh lại khi xung đột Mỹ - Trung đã tạt “gáo nước lạnh” vào thị trường. Và dòng tiền vào CP đột ngột chững lại.


Hồ Quốc Tuấn Giảng viên Đại học Bristol, Anh