Khi cán bộ ngân hàng làm lơ cho khách lừa đảo
Ba cựu cán bộ Agribank - Chi nhánh Nam Hoa hầu tòa |
Sau nhiều ngày xét xử sơ thẩm, chiều 4-9, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Trần Văn Phong (SN 1957, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chi Nhánh Nam Hoa, TP.HCM - Agribank CN Nam Hoa) 11 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Thắng (SN 1977, nguyên Phó Trưởng Phòng Kế hoạch kinh doanh Agribank - CN Nam Hoa) và Trần Thị Khánh Ngọc (SN 1980, nguyên cán bộ tín dụng Agribank - CN Nam Hoa) mỗi bị cáo bị phạt sáu năm tù cùng về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trước đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phong 14-16 năm tù; bị cáo Thắng và Ngọc mỗi người 8-12 năm tù.
HĐXX nhận định quá trình cho vay bị cáo Phong đã không xem xét kỹ hồ sơ, phương án vay vốn.
Phong đã làm trái với quy định như không thẩm định tài sản, không tuân thủ quy định mà chỉ căn cứ vào hồ sơ của Trần Thị Minh Châu khai khống tài sản cho vay lớn hơn tài sản đảm bảo...
Hai bị cáo Thắng, Ngọc cùng Phong lập phê duyệt cho vay gián tiếp giúp sức cho Châu chiếm đoạt 190 tỉ đồng. Đồng thời tòa cũng cân nhắc các tình tiết các bị cáo thành khẩn khai báo, ông Phong có nhiều năm làm trong ngành ngân hàng để cân nhắc mức án phù hợp.
Bị cáo Phong được dẫn giải về trại giam sau phiên xử |
Trước khi hầu tòa, bị cáo Thắng và Ngọc được tại ngoại. Và khi tòa mở, bị cáo Thắng xin phép vắng mặt trong suốt quá trình xét xử vì bị ung thư. Bị cáo cũng từ chối luật sư bào chữa và bảo lưu tất cả lời khai tại CQĐT và phiên tòa trước.
Theo hồ sơ, năm 2005, bà Châu thành lập Công ty TNHH May Thiên Kim. Đến năm 2008, Công ty May Thiên Kim góp vốn với Công ty Techni Global Ltd (trụ sở tại Mỹ) thành lập Công ty TNHH Đá Tấm tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Và bà Châu đứng tên giám đốc doanh nghiệp.
Từ tháng 3-2009 đến tháng 6-2010, Phong làm giám đốc Agribank CN Nam Hoa) ký năm hợp đồng tín dụng với công ty của Châu. Phong đã chỉ đạo hai cấp dưới Thắng và Ngọc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ vay vốn của Công ty Đá Tấm.
Khi thực hiện quy trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay vốn, cả ba đã “lờ” đi sai phạm trong những hồ sơ Châu đứng tên. Cụ thể, cả ba cán bộ ngân hàng này đã không đến tận nơi có tài sản khi thẩm định giá, không xác minh giấy tờ khách hàng cung cấp, bỏ qua nhiều khâu trong nguyên tắc thẩm định hồ sơ vay vốn.
Theo đó nhà xưởng Châu thế chấp chỉ trị giá 5 tỉ đồng nhưng được duyệt cho vay đến 15 tỉ đồng. Các cán bộ ngân hàng này biết Châu sử dụng số tiền vay từ hợp đồng sau tất toán số nợ trong hợp đồng trước nhưng vẫn “lờ” đi.
Tính đến tháng 5-2016, Công ty Đá Tấm tất toán ba hợp đồng. Hai hợp đồng còn lại không có khả năng thanh toán, nợ gần 342 tỉ đồng (vốn và lãi suất). Sau khi thực hiện nhiều mánh lời lừa đảo, Châu đã bỏ trốn.
Theo cơ quan tố tụng, ba cán bộ ngân hàng này đã tạo điều kiện cho bà Châu sử dụng giấy tờ giả, nâng khống thành công giá trị nhiều tài sản thế chấp (đất, dây chuyền sản xuất đá tấm…).
Xem thêm |